GS Trương Nguyện Thành: Đã mơ thì phải mơ cho lớn

15/06/2018 10:09 GMT+7

Tại buổi nói chuyện 'Dám mơ, dám làm' với các bạn sinh viên, ông Trương Nguyện Thành chia sẻ: Đã mơ thì phải mơ cho lớn, mơ nhỏ quá đừng nên vì đâu ai giới hạn giấc mơ của bạn...

GS Trương Nguyện Thành - người không được công nhận hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen do không đủ tiêu chuẩn thâm niên quản lý - đã có buổi nói chuyện 'Dám mơ, dám làm' với sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng vào ngày 14.6. Sau buổi nói chuyện này, ông sẽ quay về Mỹ để tạm nghỉ một thời gian trước khi có quyết định mới.

[VIDEO] GS Trương Nguyện Thành nói về vấn đề "ưu tiên" trong cuộc sống

Thay đổi nhận thức về thất bại

GS Trương Nguyện Thành kể lại câu chuyện ông tập cho con cách đối diện thất bại gây được cảm xúc của những sinh viên trong khán phòng. Ông cho biết khi con ông học phổ thông, có thời điểm con ông học rất giỏi nhưng có dấu hiệu tự mãn về bản thân. Khi lên lớp, ông đến trường, nói chuyện với hiệu trưởng và giáo viên, đề nghị cho con vào lớp học khó, nhờ thầy cô làm mọi cách cho con ông khó khăn. Kết quả là cuối kỳ ấy, con ông bị 4 điểm C lần đầu tiên trong đời.

Con ông khóc, cho rằng lớp học không công bằng và xin chuyển lớp. Lúc này ông cho biết ông không quan tâm điểm số. Ông động viên con tìm cách vượt qua khó khăn. Sau đó, con ông đạt được thành tích xuất sắc trở lại.

Theo GS Thành, điều quan trọng là tập khả năng đứng dậy, vượt qua nỗi buồn, thất bại. Đầu tiên là thay đổi nhận thức về thất bại trước. Để phát minh ra bóng đèn điện, Thomas Edison đã trải qua hàng ngàn lần không thành công. Nhưng ông nói “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động". Thay đổi nhận thức về thất bại mới có thể đi đến thành công.

GS Trương Nguyện Thành nói chuyện với sinh viên Ảnh: Đăng Nguyên
Muốn ước mơ phải trả giá
[VIDEO] GS Trương Nguyện Thành trả lời câu hỏi về "thất bại"

Tại buổi nói chuyện, GS Trương Nguyện Thành chỉ ra cho sinh viên thấy điểm khác nhau giữa ước mơ và ảo tưởng. Theo đó, ông cho rằng muốn ước mơ phải trả giá, đánh đổi bằng thời gian, tâm huyết của bản thân. Còn ảo tưởng chính là muốn mơ mà không chấp nhận trả giá cho ước mơ để nó trở thành hiện thực. Đây chính là cái giá cơ hội cho tương lai.

"Đã mơ thì phải mơ cho lớn, mơ nhỏ quá đừng nên vì đâu ai giới hạn giấc mơ của bạn", GS Thành chia sẻ.

GS Thành cũng cho rằng chúng ta thường xét độ ưu tiên làm những cái gì cần phải “chữa cháy” trước. Vì vậy, những điều quan trọng, có tính dài hạn lại để làm sau. Nhưng một ngày có 8 - 10 tiếng để làm thôi. Nếu khi có gia đình, lo đủ thứ chuyện, công việc hằng ngày đã hết thời gian.

Sinh viên đặt câu hỏi với GS Trương Nguyện Thành Ảnh: Đăng Nguyên

Vì vậy, để làm được những điều quan trọng, vấn đề là xét độ ưu tiên. Có chuyện quan trọng cấp bách, chuyện quan trọng không cấp bách, chuyện không quan trọng cấp bách, không quan trọng không cấp bách. Muốn làm chuyện quan trọng không cấp bách phải bỏ ra nửa tiếng, 1 tiếng mỗi ngày và đừng từ bỏ. Nếu không, chuyện quan trọng cấp bách sẽ lấy hết thời gian. Rồi sau đó, sẽ đẩy lùi chuyện quan trọng không cấp bách, ước mơ dài hạn ra sau, không còn cơ hội làm nữa. Lúc đó, chúng ta hay dùng chữ “tại, bị”… để lý giải khi không làm được ước mơ, điều quan trọng nào đó mình từng muốn làm.

Tôi chưa có kế hoạch gì cho tương lai tại Việt Nam
Hiện tại tôi chưa có kế hoạch gì cho tương lại tại Việt Nam. Hôm nay tôi sẽ về Mỹ giảng dạy. Dự định của tôi là vào lễ cuối năm, tôi sẽ quay lại Việt Nam vài tuần, có cơ hội gặp gỡ sinh viên Trường ĐH Hoa Sen cũng như các bạn sinh viên trường khác. Thời gian gần đây, tôi có quay lại Trường ĐH Hoa Sen, gặp gỡ một số sinh viên. Các em rất chân tình, tình cảm nên tôi rất cảm động.

Thời gian vừa qua, tôi không có buồn hay thất vọng gì cả. Mọi chuyện đối với tôi rất bình thường. Vừa qua, tôi có theo dõi dự thảo luật giáo dục ĐH, có nội dung trường ĐH có thể tự chủ trong việc bầu hiệu trưởng. Tôi cảm thấy rất vui vì Chính phủ đã đi đúng hướng, có tiến triển như vậy.


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.