Như Thanh Niên đã đưa tin, GS Vũ Hà Văn được bổ nhiệm làm Giám đốc khoa học Viện Big Data, một đơn vị trực thuộc VinTech của Tập đoàn Vingroup, đồng thời phụ trách một quỹ phát triển khoa học công nghệ với khoản tiền để hoạt động trong 3 năm đầu lên đến 1.000 tỉ.
[VIDEO] Giáo sư Vũ Hà Văn và ông Phạm Nhật Vượng muốn làm gì với Viện Big Data?
|
Trước khi trở về Mỹ để tiếp tục hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Yale, GS Vũ Hà Văn đã dành cho báo chí cuộc gặp gỡ, giải đáp các thắc mắc xung quanh một số hoạt động của Viện Big Data và Quỹ Phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới.
Tạo văn hóa làm việc hết mình trong nghiên cứu khoa học
GS Vũ Hà Văn cho biết: "Cơ chế làm việc của tôi tại Viện Big Data tương tự như GS Ngô Bảo Châu tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), nghĩa là tôi sẽ đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam. Có việc gì gấp thì về, không thì có rất nhiều việc mình có thể điều hành từ xa. Nhà khoa học trong các nhóm mà tôi xây dựng đều là những chuyên gia giỏi trong chuyên môn của họ".
Thưa giáo sư, big data có phải là một lĩnh vực nghiên cứu mới?
GS Vũ Hà Văn: Thực ra không phải là mới lắm. Ở các nước khác, họ nghiên cứu cũng khá lâu rồi. Chỉ có điều gần đây do trong lĩnh vực này có một số thành quả vượt trội lên, nên người ta quan tâm tới nó hơn. Và giờ nó trở thành trào lưu của cả thế giới.
Về lâu về dài, đây sẽ là một ngành được ứng dụng nhiều trong cuộc sống. Nếu data của mình ngày xưa (cách đây 30 năm) chỉ là những dữ liệu viết tay, hoặc đánh máy, thì giờ là dữ liệu trong máy tính. Do đó, chúng ta có thể lợi dụng tốc độ quét của máy tính để đưa ra những quyết định, mà các quyết định đó chính xác hơn con người bình thường.
Xin GS cho biết tham vọng của mình khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Big Data?
Big Data thực ra chỉ là một phần của “bức tranh” chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Vin (Tập đoàn Vingroup - phóng viên). Với Viện Big Data, chúng tôi có kế hoạch làm 2 việc: tổ chức một số nghiên cứu về big data, lập quỹ phát triển khoa học công nghệ với mục đích hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam làm khoa học.
Tôi đã về Việt Nam để tham gia giảng dạy từ rất lâu rồi thì nhận thấy (mà không phải riêng tôi, các nhà khoa học khác cũng thấy thế) các nhà khoa học trẻ Việt Nam làm việc rất khó. Họ từ nước ngoài về và có tham vọng đóng góp cho đất nước. Nhưng khi về nước rồi thì cơ chế chưa để cho họ thực hiện giấc mơ đó.
Quỹ lập ra để mình có thể hỗ trợ những người như thế, những người có tài năng mà nếu cứ để họ không được hỗ trợ đúng mức thì họ sẽ lụi tắt dần, hoặc sẽ diễn ra việc mình đã nói nhiều rồi là chảy máu chất xám.
Quỹ sẽ hỗ trợ những chương trình, hoặc những đề tài có tính chất thực tiễn, được thực hiện bởi những người thực sự có khả năng đang làm việc ở các trường đại học. Khi hỗ trợ thì sẽ hỗ trợ mức cao nhất có thể có, để mức lương của những người làm đề tài đó được nâng lên, để họ có thể sống tốt được ở Việt Nam. Ngay cả các sinh viên, nghiên cứu sinh, khi họ tham gia thực hiện đề tài, họ cũng sẽ được trả lương một cách xứng đáng.
Quỹ sẽ giúp các nhà khoa học mua tất cả những trang thiết bị, đồ dùng thí nghiệm cần thiết cho đề tài của họ, để cho họ có được khoảng thời gian 2 - 3 năm được làm cái mà mình muốn.
|
Các đề tài mà Quỹ tài trợ hẳn sẽ là những gì liên quan tới big data?
Ý nghĩa của quỹ này không phải chỉ để dành riêng cho việc phát triển nghiên cứu big data. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ ưu tiên các đề tài big data, nhưng điều quan trọng là chúng tôi muốn thông qua quỹ để thúc đẩy sinh hoạt khoa học của Việt Nam lên mức tốt hơn.
Trước hết là giữ được các nhân tài ở lại Việt Nam, về lâu về dài là thay đổi được văn hóa nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Chúng tôi sẽ không chỉ hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện được ước mơ của mình (được chuyên tâm làm nghiên cứu khoa học - phóng viên).
Nếu sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học thực sự có ý nghĩa cho xã hội thì chúng tôi có thể hỗ trợ họ sản xuất ra sản phẩm. Nghĩa là hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra, tôi tin đó là điều các nhà khoa học rất mong muốn. Cách làm này mang lại những lợi ích thực sự, trước hết là lợi ích cho chính cá nhân các nhà khoa học.
Nó sẽ tạo văn hóa làm việc hết mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhà khoa học sẽ mang hết khả năng của mình ra làm việc, thay bằng việc có đề tài có nghiệm thu nhưng không mang lại kết quả cụ thể như hiện nay.
Thu hút nhiều nhân tài ở lại Việt Nam làm việc
Khi bàn về trí tuệ nhân tạo, người ta thường nói về câu chuyện dữ liệu với mong muốn chúng được chia sẻ, chứ không phải thương mại hóa dữ liệu đó. Vậy giáo sư có e ngại việc đầu tư nghiên cứu cho big data sẽ khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư?
Như trên tôi đã khẳng định, chúng tôi muốn hỗ trợ không chỉ là nghiên cứu về dữ liệu mà còn hỗ trợ nghiên cứu ở các lĩnh vực khác. Thứ hai, theo tôi biết là khi thành lập viện và quỹ, Vin không xem nó như một cách đầu tư, mà là một cách hỗ trợ cho văn hóa nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung.
Tôi nghĩ, nếu cả đất nước này có sự thay đổi về văn hóa nghiên cứu khoa học, vì thế mà sinh viên của mình trở nên giỏi hơn thì Vin cũng hưởng lợi, do họ sẽ phải dùng nhiều người tốt nghiệp đại học hơn trong tương lai. Ở đây không có chuyện đầu tư ngần này tiền và phải mang về ngần này tiền. Đây là sự hỗ trợ hoàn toàn mang tính chất hiến tặng cho các trường đại học.
GS tin rằng việc này sẽ lan tỏa tinh thần của người làm nghiên cứu khoa học tới các bạn trẻ?
Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên có một doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản vào khoa học, và điều đó tạo động lực cho các bạn trẻ. Nếu quỹ hoạt động tốt thì những bạn trẻ mà có các dự án tốt sẽ có điều kiện làm việc không kém gì ở các nước phương Tây. Nhờ thế mà nó sẽ giúp cho việc thu hút nhiều nhân tài ở lại Việt Nam. Họ không cần phải ra nước ngoài mới có điều kiện làm việc tốt. Rồi sẽ có nhiều hơn những người trẻ mới tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài chọn cách về nước làm việc.
Tôi hy vọng Viện sẽ là một địa chỉ để các bạn ấy đến, ít nhất là tìm hiểu kinh nghiệm. Rồi sau này chúng ta sẽ tiếp tục có những doanh nghiệp khác làm mô hình tương tự, hoặc Nhà nước sẽ mở ra cơ chế mới, như thế mới giúp cho toàn bộ xã hội tiến lên, chứ một mình Vin không thể làm tất cả mọi việc.
Vậy sẽ kêu gọi các bạn trẻ tham gia quỹ thế nào, thưa GS?
Quỹ hỗ trợ tất cả các nhà khoa học, không chỉ các bạn trẻ mà kể cả những người không còn trẻ như tôi cũng có thể viết dự án, sau đó gửi cho quỹ.
Từ 1.1.2019, chúng tôi sẽ bắt đầu nhận các dự án. Các dự án đó sẽ được xét bởi một ủy ban gồm những nhà khoa học trong và ngoài nước. Ủy ban sẽ quyết định lựa chọn dự án nào được tài trợ, dự án nào không. Tiêu chuẩn để lựa chọn sẽ giống như các quỹ khoa học ở Mỹ.
Theo GS Vũ Hà Văn, nghiên cứu, làm việc với big data là một thị trường lao động đang rất hot, nên xã hội hiện rất cần những người giỏi về lĩnh vực này. Hiện nay, các chuyên có năng lực trong lĩnh vực này rất “đắt hàng”.
Viện Big Data hiện muốn tìm cách tiếp cận một số chuyên gia Việt kiều để mời họ về làm giúp nhưng việc này cũng không dễ dàng. Còn ngay tại Việt Nam, nhân lực đỉnh cao, tức là những người có thể phụ trách được một đề tài, thì không nhiều
GS Vũ Hà Văn cũng nhận xét, chất lượng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực big data ở trong nước về cơ bản không phải là thấp. Chỉ có điều, sinh viên ra trường không có ngay một đường hướng (protract) rất cụ thể và không có những người hướng dẫn rất tốt thì cái đào tạo cơ bản đó sẽ mai một dần đi. “Nó chỉ khác với nước ngoài ở chỗ đó thôi”, Giáo sư Văn nói.
GS Văn chia sẻ thêm: “Với Việt Nam, khó nhất là mời một số người đầu ngành về để cộng tác. Có thể họ không ở được dài lâu, nhưng họ có thể hướng dẫn một số nghiên cứu sinh, hoặc dạy một số khóa đào tạo. Đó là cái có thể hy vọng nhất trong tương lai gần. Còn mời được một số người về hẳn, lâu dài, cả đời thì chắc phải làm từng bước”.
|
Bình luận (0)