Nhiều cuộc thi âm nhạc mang tính nội bộ trường học đang được tổ chức rầm rộ. Ở đó không chỉ cho thấy niềm đam mê âm nhạc của giới trẻ mà còn khẳng định thẩm mỹ âm nhạc của họ đã thay đổi.
Thích ca khúc lạ, xưa
Mưa bay tháp cổ, Con cò, Những ô màu khối lập phương, Quê nhà, Li ti, Cỏ và mưa… - những ca khúc “đỉnh” gắn liền với nam ca sĩ Tùng Dương luôn được giới trẻ chọn lựa trình diễn trong những cuộc thi hát nội bộ. Tùng Dương có giọng ca lạ, theo đuổi phong cách âm nhạc dân gian đương đại kén người hát lẫn người nghe.
Vì vậy, âm nhạc của anh luôn có thị phần hẹp hơn nhiều so với những ca sĩ chọn lối đi mang tính đại chúng và thời thượng. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra ở nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng trong giới sinh viên - học sinh gần đây cho thấy có hơn một nửa thí sinh tham gia các cuộc thi này chọn những ca khúc của Tùng Dương để khoe tài.
|
Trong đó, chung kết cuộc thi Talent Stars của cơ sở EQuest Academy diễn ra trên quy mô toàn quốc vừa kết thúc mới đây là một minh chứng rõ nét. Màu sắc Tùng Dương với những ca khúc Con cò, Mưa bay tháp cổ, Con nhện... không những được các thí sinh thể hiện khá nhuần nhuyễn mà còn được khán giả hưởng ứng nồng nhiệt. Hiếu Thuận (sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM - Khoa Du lịch) tham gia buổi thi chung kết cuộc thi Talent Stars, chia sẻ: “Ca sĩ bây giờ thì nhiều nhưng tạo được ấn tượng như Tùng Dương thì ít. Ấn tượng của Tùng Dương có được là nhờ phong cách và cả những ca khúc có nội dung sâu sắc mà anh thể hiện”.
Một trong những giọng ca rất đắt sô qua các chương trình biểu diễn ở các trường đại học thời gian gần đây là Đức Tuấn. Những buổi diễn, từ tuyển chọn giọng ca triển vọng của trường, thi hoa khôi hay biểu diễn văn nghệ do Công đoàn trường tổ chức… đều có mặt anh. Điều khiến Đức Tuấn ngạc nhiên là gu thưởng thức âm nhạc của sinh viên hiện nay không chỉ là nhạc trẻ như mọi người thường nhìn nhận.
“Không ngờ các bạn sinh viên chọn và hát rất hay nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… Toàn những ca khúc nhạc xưa và bất hủ. Đó không phải là trào lưu mà thực sự là sở thích của họ” - Đức Tuấn khẳng định. Đức Tuấn cho biết trong các cuộc thi ca hát của nhiều trường đại học mà anh được mời làm giám khảo, thí sinh rất hay chọn nhạc xưa để thể hiện thay vì chọn những ca khúc não tình đầy rẫy hiện nay. Những ca khúc nhạc trẻ ăn khách trong những thập niên 1980, 1990, như Chị tôi, Sắc màu, Hương ngọc lan, Trống vắng, Tiếng rao... cũng đang được giới trẻ học đường yêu thích. Điều đó phần nào khẳng định sự sâu sắc trong thưởng thức thẩm mỹ của một bộ phận không nhỏ khán giả có học thức thời nay.
Hát nhạc ngoại cũng phải hay
Những ca khúc tiếng Anh cũng được một bộ phận khán giả hiện nay chọn hát và nghe. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong cuộc thi tìm kiếm tài năng Vietnam’s Got Talent mùa giải đầu tiên. Tuy nhiên, trong các cuộc thi mang tính nội bộ của các trường học, hiện tượng thích nhạc ngoại của số đông khán giả trẻ càng đậm nét. Rõ ràng, việc nghe và hát ca khúc tiếng Anh là một sở thích không thể thiếu của giới trẻ có vốn ngoại ngữ.
Không kể những cuộc thi hát chuyên về tiếng Anh khá nổi tiếng như Let’s Get lound (do Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Language Link Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam - hội Sinh viên Việt Nam và Ban Thanh Thiếu niên - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức) thu hút rất nhiều giọng ca, thậm chí cả ca sĩ chuyên nghiệp, hay cuộc thi hát tiếng Anh Apollo English Idol… thì trong nhiều cuộc thi khác, ca khúc tiếng Anh (những bản tình ca quen thuộc của những năm 1980, 1990) được các thí sinh ưu tiên chọn hát.
Cũng trong đêm thi chung kết cuộc thi Talent Stars, có đến một nửa số thí sinh vào vòng chung kết chọn ca khúc tiếng Anh để tranh tài bên cạnh những thí sinh chọn ca khúc mang phong cách dân gian đương đại của Tùng Dương. Không chỉ vậy, trong những cuộc thi tuyển chọn giọng ca tiềm năng của một số công ty đào tạo ca sĩ, tỉ lệ thí sinh tranh tài chọn ca khúc tiếng Anh để thể hiện rất cao.
Lý giải cho sự lựa chọn của mình, nhiều bạn trẻ khẳng định những ca khúc tiếng Anh mà họ thường chọn hát và nghe là hay cả giai điệu lẫn ca từ. Và với điều kiện hầu hết khán giả trẻ đều biết ngoại ngữ như hiện nay, việc thể hiện đúng và hay một ca khúc tiếng Anh không phải quá khó.
Sự nâng chất trong thưởng thức âm nhạc của số đông công chúng trẻ gần đây đã có tác động tích cực đến thị trường âm nhạc. Điều đó cũng đồng nghĩa họ đang quay lưng với những ca khúc nhảm nhí, thảm họa.
Theo Thùy Trang / Người Lao Động
Bình luận (0)