Gửi đồ và xa quê

12/02/2015 05:43 GMT+7

Thời điểm này, nhiều bạn trẻ tấp nập gửi đồ về tết, bên cạnh đó, cũng có nhiều người lại thêm một cái tết xa quê…

Thời điểm này, nhiều bạn trẻ tấp nập gửi đồ về tết, bên cạnh đó, cũng có nhiều người lại thêm một cái tết xa quê…
Bạn trẻ gửi đồ tết tại nhà kho ký gửi TandT tại hẻm 35 Trần Đình Xu, Q.1, TP.HCM - Ảnh: X.PBạn trẻ gửi đồ tết tại nhà kho ký gửi TandT tại hẻm 35 Trần Đình Xu, Q.1, TP.HCM - Ảnh: X.P
Gửi đồ ngày tết
“Tết là lúc ai nấy đều về quê nên trộm cắp có cơ hội hoành hành. Phòng trọ dù khóa cửa nhưng vẫn không yên tâm, những vật dụng có giá trị mình cứ đem gửi cho chắc ăn”, chị Hà Bích cho biết.
Chính vì tâm lý trên mà theo anh Trần Thanh, chủ kho ký gửi TandT tại hẻm 35 Trần Đình Xu (Q.1, TP.HCM), thay cho mục đích ban đầu là nơi trung gian nhận đồ đã qua sử dụng, không còn cần thiết với nhiều người để rao bán lại cho người có nhu cầu, thì suốt nửa tháng qua kho của anh đã kiêm luôn việc nhận giữ đồ cho khách trong dịp tết. Nơi đây nhận giữ cả bàn ghế, ti vi, nồi cơm điện... Không chỉ ở TandT, những chủ kho ký gửi khác tại TP.HCM như: CK's Warehouse (đường Lê Văn Sỹ, Q.Phú Nhuận), New & 2hand (Lê Văn Sỹ, Q.3), OOldew (Phạm Phú Thứ, Q.Tân Bình), Nụ cười mới (Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú), Born1989 (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3)... cũng cho biết nhu cầu gửi đồ của khách trong nửa cuối tháng chạp là rất lớn. “Tùy số lượng, món đồ mà có giá khác nhau, dao động ở mức từ 20.000 - 50.000 đồng/ngày”, anh Trần Thanh cho biết.
Tương tự, để giúp mọi người có thể yên tâm về quê ăn tết, nhiều công ty cũng mở dịch vụ nhận giữ đồ ngày tết, như Công ty công nghệ KUMPOGO (đường 3 Tháng 2, Q.10), Công ty TNHH TMDV Việt Văn Hiệp (Âu Cơ, Q.Tân Phú), cửa hàng đồ cũ Hoàng Long (Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức)… Những nơi này nhận giữ xe với giá 30.000 đồng/ngày; bàn ghế, tủ giường, các vật dụng khác giá 50.000 đồng/ngày.
Theo Cao Cường, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, những dịch vụ này khá tiện ích, giá cả phải chăng. “Những năm trước mọi người thường cậy nhờ dịch vụ cầm đồ. Tuy nhiên, khi cầm đồ phải để lại giấy tờ tùy thân, giá khá cao, lo ngại bị thay đổi linh kiện các sản phẩm điện tử… thì nhà kho ký gửi, hay dịch vụ nhận giữ đồ ngày tết của các công ty đã phần nào giúp mọi người yên tâm hơn”, Cao Cường nói.
Tại những bãi xe siêu thị, bệnh viện, ký túc xá các trường học, các chung cư… cũng nhận giữ xe ngày tết với giá 5.000 - 10.000 đồng/ngày.
Gia đình anh Tranh - chị Chuyền sẽ đón tết trong căn phòng trọ này - Ảnh: Như Lịch
Gia đình anh Tranh - chị Chuyền sẽ đón tết trong căn phòng trọ này - Ảnh: Như Lịch
Tết ở phố, tâm ở quê
Bồn chồn, nôn nao nhớ quê nhà. Một chút ấm dạ trước tình cảm con người dành cho nhau nơi khu trọ. Đó là tâm trạng của nhiều người phải đón tết xa quê...
Đây là năm thứ ba, đôi vợ chồng Nguyễn Thị Chuyền (công nhân may, quê ở Thừa Thiên - Huế) và Nguyễn Ngọc Tranh (công nhân xưởng gỗ, quê Quảng Nam) đón tết thiếu vắng hương quê trong phòng trọ ở đường Lê Trọng Tấn, TP.HCM. Điều này cũng đồng nghĩa đứa con của anh chị (bé Nguyễn Ngọc Khang - 3 tuổi) trải qua ba cái tết trong khu trọ.
Chị Chuyền chia sẻ: “Nói thiệt, không phải là tụi mình không có tiền về quê nhưng sợ nhất là lúc vô lại sẽ thiếu, công sức làm cả năm trời không đủ đắp đổi. Bà con họ hàng không yêu cầu quà cáp gì nhưng mình cũng nên chuẩn bị chu đáo, vì lâu lâu mới về một lần”.
Là nhân viên bán hàng, Nguyễn Thị Thành (23 tuổi, quê Quảng Nam) xác định tết không phải là dịp để “ăn chơi”, mà là để “cày bừa” liên tục. Bởi lẽ, vì siêu thị nơi cô làm không đóng cửa ngày nào. Bù lại, cô được trả tiền công cao gấp ba lần ngày thường. Thành cho hay, cô tranh thủ đi làm thêm để trang trải chi phí học liên thông tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.
Năm trước, Thành từng đón tết xa quê trong khu lưu trú số 24 ở P. Sơn Kỳ (Q.Tân Phú, TP.HCM). Thành kể chủ khu trọ và những công nhân góp với nhau tổ chức bữa tiệc tất niên thân mật. Vào ngày mùng 3 tết, chủ nhà còn mở tiệc tân niên chiêu đãi mọi người. Đặc biệt, Thành nhớ mãi nghĩa cử của chủ nhà trong đêm giao thừa: Đến từng phòng chúc tết và lì xì cho con nít lẫn người lớn. “Năm ngoái, em được nhận phong bao 50.000 đồng. Đây là tờ tiền lì xì có mệnh giá lớn nhất đến nay em vẫn còn cất giữ, bởi em muốn lưu lại tình cảm ấm áp của những người vốn không thân thích với mình”, Thành chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.