Cụ thể, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma Rốc cho biết thực tế qua xác minh cho thấy có nhiều công ty ma với các mánh khóe lừa đảo chiếm đoạt tiền của công ty xuất khẩu vào Cộng hòa Benin. Một số mánh khóe thường gặp là yêu cầu nhà xuất khẩu chuyển một khoản tiền trước với lý do đóng phí đăng ký sản phẩm nhập khẩu, phí xin giấy phép nhập khẩu, phí kiểm soát chống khủng bố, phí hợp thức hóa hợp đồng...
Trong một số trường hợp, công ty ở Benin đề xuất mua lượng hàng lớn với giá trị cao, chấp nhận mọi điều kiện của người bán nhưng khi được yêu cầu đặt cọc thì lại nêu lý do nhằm thuyết phục rằng việc này là không cần thiết. Để tăng niềm tin, một số công ty Benin chủ động cung cấp hồ sơ giấy tờ nhằm khẳng định tính pháp lý của doanh nghiệp mình như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận các loại, tài khoản ngân hàng... Những giấy tờ này thường đầy đủ chữ ký và dấu của cơ quan có thẩm quyền địa phương nhưng thường là giấy tờ và con dấu giả. Thậm chí nếu nhà xuất khẩu muốn khảo sát thị trường, các đối tượng sẽ làm thư mời và tiếp đón. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền theo yêu cầu hoặc gửi hàng theo hợp đồng xong thì đối tượng bặt vô âm tín, cấu kết với kho cảng và giao nhận để lấy hàng nhưng không thanh toán.
Một số đơn vị khác lại sử dụng danh tính của những công ty lớn, có uy tín tại Benin nhưng thay đổi số điện thoại, email và tài khoản. Một số công ty Benin cần đề phòng gồm Weastlinear Holding, Festival Home Incoperated, Mabic Import Sarl, Benin Import Development Agency, Global Link SARL Benin.
Cùng ngày, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cũng cảnh báo thận trọng khi làm ăn với các doanh nghiệp tại Senegal. Mới đây Thương vụ Việt Nam được một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam nhờ hỗ trợ đòi tiền hàng từ công ty GSN International. Doanh nghiệp Việt Nam làm việc với công ty này qua internet và sau đó, đối tác mua 1 container tiêu đen 40 feet từ Việt Nam trị giá 61.750 USD (tương đương khoảng 1,43 tỉ đồng). Hình thức thanh toán là CAD 100% at sight (giao chứng từ nhận tiền ngay) thông qua ngân hàng người mua tại Senegal.
Phía người mua đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng nhưng không thanh toán cho công ty Việt Nam (đến nay đã gần 2 tháng). Công ty Việt Nam đã nhiều lần thanh toán với người mua nhưng không được. Khi ngân hàng của công ty Việt Nam liên hệ với ngân hàng người bán tại Senegal thì được trả lời người ký nhận bộ chứng từ (do khách hàng giới thiệu) không làm việc tại ngân hàng này. Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã điện thoại trực tiếp cho người đại diện Công ty GSN International nhưng ông ta nói không có bằng chứng việc công ty nhập khẩu hàng Việt Nam và sau đó cắt mọi liên lạc...
Đây không phải là lần đầu các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cảnh báo tình trạng bị lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Algeria lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cẩn trọng trước khi phát sinh đối tác với các doanh nghiệp châu Phi, nhất là ở Tây và Trung Phi. Chẳng hạn như nên áp dụng phương thức thanh toán theo hình thức L/C không hủy ngang có xác nhận. Đề nghị khách hàng trả trước ít nhất là 30% giá trị tiền hàng. Nếu nhập khẩu hàng từ châu Phi, chỉ nên mua khối lượng nhỏ với những đơn hàng đầu tiên và tránh sử dụng dịch vụ Western Union để chuyển tiền...
Bình luận (0)