Gửi tiết kiệm 6 tháng, ngân hàng nào lãi suất cao?

09/02/2020 11:17 GMT+7

Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng ở kỳ hạn dưới 6 tháng bị khống chế trần 5%/năm theo quy định nhà nước, chính vì vậy từ mức gửi 6 tháng trở lên có sự khác biệt lãi suất giữa các nhà băng.

 
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của các nhà băng “nhảy vọt” từ 0,5 - 3%/năm so với kỳ hạn dưới 6 tháng. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), khách hàng gửi tiết kiệm Đắc Lộc Tài kỳ hạn 6 tháng có 2 mức lãi suất 7,76%/năm khi lãnh lãi hằng tháng, 8%/năm khi lãnh lãi cuối kỳ; ở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là từ 7,4 - 7,5%/năm tùy theo khách gửi tại quầy hay online; tại Ngân hàng TMCP Việt Nam thương tín (Vietbank) là 7,5%/năm, gửi online là 7,7%/năm; tại Ngân hàng TMCP Bản Việt là 7,3%/năm…
Như thường lệ, các ngân hàng thương mại có tỷ lệ cổ phần nhà nước chi phối vẫn giữ mức lãi suất khá thấp như Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank) đều ở mức 5,3%/năm…
Đối với tiết kiệm dài hơn mức 6 tháng, lãi suất lên cao hơn như kỳ hạn 13, 15, 18 tháng tại SCB là 8,55%/năm; Eximbank là 8,4%/năm đối với 13, 24 tháng; Ngân hàng TMCP Quốc Dân áp dụng lãi suất 8,3%/năm kỳ hạn 36 tháng; Ngân hàng Bản Việt kỳ hạn 13 tháng là 8,2%/năm…
Từ sau tết, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng giảm khoảng 0,3 - 0,5%/năm tùy theo kỳ hạn. Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ngày 6.2 còn 2,6%/năm, 1 tuần còn 2,7%/năm, 1 tháng còn 3,31%/năm, 3 tháng còn 3,99%/năm, 6 tháng còn 4,85%/năm… Doanh số giao dịch tiền đồng giữa các kỳ hạn cũng giảm so với đầu tháng 2, như kỳ hạn qua đêm ngày 6.2 giảm khoảng 6.400 tỉ đồng, còn 42.153 tỉ đồng; 1 tuần giảm 3.600 tỉ đồng, còn 9.254 tỉ đồng; 1 tháng giảm khoảng 3.200 tỉ đồng, còn 972 tỉ đồng...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.