Xin chữ vì mong năm mới bình an
Nhiều người đã đến các điểm viết thư pháp để xin chữ cho những ngày đầu năm. Dễ nhận thấy nhất là ở khu vực phố ông đồ (Q.1), một số điểm viết thư pháp truyền thống ở khu Chợ Lớn (Q.5)… Những nơi này, dường như trở thành điểm hẹn của người trẻ mỗi khi tết đến xuân về.
Ở khu vực phố ông đồ Nhà văn hóa Thanh niên, các bạn trẻ không những đến để chụp hình, thưởng lãm đường mai, mà còn chọn một ông đồ thích hợp để xin chữ cho những ngày đầu năm mới. Mỗi người xin chữ theo mong muốn của mình, nhưng tâm lý chung là cầu mong một năm mới vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, bình an, mạnh khỏe…
Nguyễn Văn Minh Phụng (28 tuổi), đang làm nhân viên kinh doanh ở Q.7, cho biết đây là thói quen trong nhiều năm qua của anh. Mỗi năm anh Phụng đều ra phố ông đồ để xin chữ với mục đích trang trí không gian tết trong nhà, đồng thời còn mong gửi vào đó những ước vọng năm mới cho bản thân và gia đình.
"Năm đầu tiên tôi xin chữ chỉ cho mình. Tôi thường xin chữ "nhẫn, phát tài, phát lộc, công danh" mong sao năm mới làm ăn khấm khá hơn. Sau đó tôi có con thì những năm gần đây lại xin chữ "bình an" để mong sao cuộc sống gia đình luôn có nhiều niềm vui và hạnh phúc", Phụng chia sẻ.
Cũng tìm đến các ông đồ ở khu Chợ Lớn, Tiêu Sâm Ái Nhu (23 tuổi), ngụ đường Bình Tây, Q.6, TP.HCM, cho biết đây là năm thứ 2 đi xin chữ. Ái Nhu cho biết trước kia cô không quan tâm đến việc xin chữ đầu năm. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, Nhu lại quan tâm nhiều hơn đến xin chữ cho năm mới. Lý do đưa ra là việc xin chữ đang trở thành xu hướng của giới trẻ mỗi khi tết đến. Cho nên Nhu cũng vì thế mà đi xin chữ cho mình.
"Chúng em xin một chữ riêng theo nguyện vọng mỗi người. Năm nay em xin chữ "công danh" vì đang đi làm muốn phát triển sự nghiệp, bạn em xin chữ "đỗ" vì năm nay bạn sẽ có nhiều kỳ thi. Dù xin chữ chỉ là hình thức nhưng chúng em luôn tin khi nhìn vào các chữ đó thì trong một năm sẽ đạt được đúng ý nguyện", Nhu chia sẻ và nói sẽ dán những câu chữ này vào máy tính, điện thoại và ở bàn làm việc.
Người trẻ quay trở lại với thư pháp
Ông đồ Lương Triều Minh (34 tuổi), đường Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM, cho rằng việc xin chữ cho năm mới đã tồn tại từ lâu đời, nó trở thành nét văn hóa, truyền thống của người Việt. Đa phần những người đến đều mong muốn bản thân sẽ đạt được điều gì đó trong những câu, chữ đã xin. Đối tượng đến tiệm của Minh xin chữ lâu nay đều là những người lớn tuổi, đang làm ăn kinh doanh… Tuy nhiên, những năm gần đây, Triều Minh nhận thấy người trẻ cũng bắt đầu "để ý" và tìm đến anh để xin chữ ngày càng nhiều.
"Các bạn trẻ đã quay lại với giá trị truyền thống và kết hợp với phương tiện hiện đại nên tạo thành nét mới cho nghề viết liễn hay thư pháp. Nhiều người lớn thường dán chữ trước cửa nhà, bàn thờ thì bạn trẻ lại chọn cách dán chữ trên điện thoại, máy tính, bao lì xì, thiệp hồng, ô tô… để trang trí trong những ngày đầu năm", Triều Minh nói.
Triều Minh cho biết thêm như mọi năm, kể từ ngày 15 tháng chạp, bạn trẻ đã bắt đầu tìm đến xin chữ. Càng về đầu năm mới thì lượng người tìm đến nhiều hơn, chưa kể những bạn từ nhiều vùng miền cũng tìm đến đặt hàng qua mạng.
Theo anh Đào Văn Chiến, Phó chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp Nhà văn hóa Thanh niên, những năm gần đây thư pháp ngày càng phát triển nhờ những người trẻ, nhất là gen Z. "Giá trị truyền thống của thư pháp được giới trẻ ngày càng ưa chuộng. Cụ thể như các bạn trẻ ngày nay đa phần chọn thư pháp ứng dụng, có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống. Ví dụ như viết trên liễn, lá, món quà lưu niệm, bao lì xì… để tặng cho nhau. Chưa kể các bạn thích những hình ảnh dễ thương kèm theo, nhìn thật hiện đại", anh Chiến cho hay.
Bình luận (0)