Gùi xuân lên đỉnh mây trời - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

22/01/2022 07:57 GMT+7

Sao leo đến đỉnh dốc, bám tay vào gốc mai, hai chân mỏi nhừ khụy gối. Thằng nhỏ ngồi bó gối ngoài hiên nhà đưa mắt lên nhìn Sao rồi từ từ cụp xuống.

Sao trút gùi hạt dẻ xuống sân đưa mắt tìm quanh nhà không thấy Dao đâu. Chị đến ngồi cạnh thằng bé, vuốt mái tóc khô như rễ tre của nó, cười bảo:

- Chắc đã mấy ngày không tắm rồi, đúng không?

Thằng nhỏ không nói gì, thở phập phồng hai lỗ mũi đỏ ửng vì rét. Từ lúc theo bố trở về xóm Ngòi này thằng nhỏ cứ lầm lì như vậy. Lần đầu tiên nhìn thấy nó Sao đã thương đến buốt lòng. Chiều ấy bố con Dao về, dựng chiếc xe máy cà tàng xuống sân sau hành trình gần hai ngàn cây số. Sao đứng như trời trồng nhìn trước mắt mình là một khối bụi bám đầy trên đầu tóc, quần áo và cả chiếc xe vừa đổ chổng kềnh. Đám bụi tan ra trong cái nắng thu bàng bạc, mờ mịt như ảo ảnh nhưng rồi chúng lại quyện vào nhau như không muốn tách rời. Chỉ đôi mắt của thằng nhỏ xuyên qua đám bụi mà đen láy. Trên tay nó ôm khư khư chiếc ba lô hình con gấu. Lúc Sao định nhấc thằng nhỏ khỏi xe vô tình chạm vào chiếc ba lô, nó rụt lại càng ôm chặt vào lòng. Chiếc xe máy tàng như ông lão già yếu trút hơi thở cuối cùng sau khi về đích. Chân chống, bánh xe rời xa rơi lỏng chỏng giữa sân. Sao nhìn đống đồ đạc vừa đổ xuống thấy dấu vết của một phòng trọ xa lắc lơ nào đó tận Sài Gòn đang hiện ra ngay trước mắt: vài bộ quần áo cũ màu cháo lòng; chiếc bếp gas mini cáu bẩn; nắm móc quần áo đã xỉn màu, cong queo; chiếc lược gỗ còn bám sợi tóc dài của người phụ nữ. Dao như bức tượng phủ bụi, mắt không chớp, nhìn vào trong căn nhà trống huơ. Giá như Dao có thể khóc thì biết đâu nước mắt sẽ làm tan bụi. Nhưng Dao không khóc. Ngay cả khi quỳ trước bàn thờ của mẹ đăm đăm nhìn hương khói bay len lỏi qua lỗ thủng mái nhà anh cũng không khóc. Nên bụi không có cách nào để rũ bỏ Dao.

Thằng nhỏ tên Ơn. Sao cười bảo:

- Bao nhiêu cái tên hay sao không đặt mà lại gọi thằng bé là Ơn?

- Cô ấy nói nhờ Sài Gòn mà chúng tôi gặp nhau. Thằng nhỏ là trái ngọt của tình yêu ấy. Chúng tôi mang ơn thành phố đã cưu mang mình.

- Ngay cả khi phải rời khỏi Sài Gòn ôm theo những mất mát đớn đau anh vẫn còn nghĩ như thế chứ?

- Sẽ chẳng có gì thay đổi được những ký ức hạnh phúc mà chúng tôi từng có. Nhưng để quay lại vùng đất ấy… thì không chắc.

Ơn lầm lì không thích nói cười, thằng bé ôm nỗi buồn chôn chặt trong lòng như từng ôm chặt chiếc ba lô hình con gấu. Lúc mở chiếc ba lô ra, Sao không thấy chút hình dung nào dễ thở như mấy cuốn sách, cây bút chì, khối logo xếp hình hoặc vài chiếc bánh mang đi ăn dọc đường. Lọ tro cốt hiện ra - thứ duy nhất trong hành trang của hai bố con họ sạch sẽ không dính bụi. Nhưng nó lấp đầy phổi Sao bằng thứ bụi vô hình. Câu đầu tiên thằng nhỏ thốt lên khi thấy bố đặt hũ tro cốt trên bàn thờ gian giữa. “Nơi này gió quá. Mẹ lạnh”. Sao ôm thằng nhỏ như đang ôm khối bụi vào lòng.

tuấn anh

Rồi mùa sương đến, bàng bạc lẫn trong màu bụi. Ngày nào Sao cũng vén màn sương ấy bước vào thế giới của hai bố con Dao. Chị chụm củi nhóm lửa nấu cơm, quét quáy cửa nhà, nhặt xó này xó kia áo quần dơ bẩn mang đi giặt. Sao kiếm cớ càm ràm đủ thứ chuyện trên đời, cố để xua đi bầu không khí cứ muốn chìm dần trong thinh lặng. Sao kể khơi khơi chuyện mấy nhà trong xóm Ngòi vừa bán mấy chục héc ta rừng keo. “Cái giống cây đến là hay, chăm sóc tốt cứ lớn nhanh như thổi. Chỉ tầm 5 - 6 năm đã cho thu nhập khi cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy. Hôm nọ anh về có nhìn thấy mấy căn nhà mới xây không? Khối người nhờ rừng mà thoát nghèo, xây nhà cửa, có của ăn của để. Thấy mà ham…”. Lúc bịt lại lỗ hổng trên cánh cửa sổ mục nát, Sao thở dài than: “Anh đi suốt, thấy đất rừng bỏ hoang rậm rịt nhìn mà xót. Không có cây, cứ mùa mưa là đất bị xói mòn. May mà anh về chứ để vài năm nữa biết đâu đất sẽ vùi lấp cả căn nhà này mất”. Một sớm, như không thể chịu đựng thêm được những tiếng càm ràm nên Dao quẳng tàn thuốc lá xuống sân, vắt áo lên vai, cầm con dao quắm đi ngược lên núi. Dao đi đến đâu là bụi rậm được phát quang đến đó. Từng dấu chân như đang đánh thức khát vọng hồi sinh của đất đai. Sao đứng nhìn theo cái nắng lấp lóa lưng người, thấy Dao như vẫn là chàng trai mười bảy mà mình đã từng thương. Vạm vỡ, hiền lành và chăm chỉ.

Khi Sao lớn lên đã thấy Dao luôn đi bên cạnh đời mình. Nhà hai người cách nhau một quả núi, một con suối nhỏ. Đứng ở nhà này nhìn thấy ngọn khói bay lên từ bếp nhà kia. Sáng nào Sao cũng đứng dưới gốc cây trẩu chờ Dao cùng đến lớp. Mùa đông Dao hay thò tay vào túi áo trần bông lấy ra nắm đậu tương còn nóng hổi dúi cho Sao nhấm nháp. Có hôm quà ngày đói là chiếc bánh sắn rán bằng lá chuối, sắn luộc chia từng khúc, sắn xôi vo thành từng nắm nhỏ. Đủ để ấm dần cái bụng đang sôi lên vì đói của Sao. Mùa xuân, dưới tán cây trẩu nở hoa trắng muốt, Sao xòe tay nhận từ người bạn thân mấy lát mứt gừng ngậm cho ấm cổ. Năm tháng dần trôi, dưới gốc cây trẩu ấy Sao thành thiếu nữ. Hoa trẩu rơi trên suối tóc đôi mươi, lúng liếng mắt cười, thầm thương trộm nhớ. Dao trở thành chàng trai hoạt bát, cao lớn như tán cây, tấm lưng rộng như trái núi che chở cho Sao.

Nhà Dao nghèo, chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ Dao quanh năm đau ốm nên hết con trâu buộc ở gốc đào, mấy đàn gà lớn nhỏ ngoài vườn, vài lứa lợn trong chuồng lần lượt ra đi. Dao lớn lên bằng những bó củi trên vai, những gùi ngô, gùi sắn nặng trịch ghì bàn chân xuống mảnh đất khô cằn đá sỏi. Nhưng Dao chưa bao giờ than thở như đã từng cõng Sao qua suối mùa nước lên. Cõng Sao chạy băng qua rừng tìm lá thuốc giải độc khi bị rắn cắn. Sau này đôi vai ấy còn cõng thêm nhiều khoản nợ nần từ những đợt thuốc thang chạy chữa cho mẹ. Nhưng không có phép mầu, những cơn đau dai dẳng cuối cùng cũng mang mẹ Dao đi. Kể từ đó Dao như thành người khác, ôm nỗi buồn đau trong lòng không muốn ngỏ cùng ai.

Sao không biết Dao nuôi ý định rời bỏ quê hương từ bao giờ. Một buổi sáng, bỏ lại mọi thứ sau lưng, Dao đi không một cái ngoái đầu. Sao đứng dưới gốc cây trẩu già mùa rụng lá, trơ trọi ngóng theo. Núi rừng còn đó, người đã đi. Biền biệt cách xa gần hai ngàn cây số. Hết mùa hoa trẩu này đến mùa hoa trẩu khác, cánh mỏng manh trắng muốt rơi bạc cả mái tóc thanh xuân. Sao ngoài ba mươi vẫn chưa chịu lấy chồng dù có vài chàng trai mang lòng thương mến. Dao đi không về, căn nhà bỏ bê mối mọt. Thỉnh thoảng chị đến thắp mấy nén nhang cho mẹ Dao đỡ lạnh. Có người trong xóm Ngòi từng nói bâng quơ: “Thằng Dao lấy vợ Sài Gòn rồi, nó sẽ không về nữa”. Những câu chuyện hiếm hoi về Dao, chị chỉ được nghe qua miệng người đời. Chị không biết trong đó có bao phần sự thật. Dù đã tìm mọi cách nhưng chị vẫn không có manh mối nào để liên lạc với Dao. Sau này Sao lần tìm dấu vết người thương trên mạng xã hội. Tìm hoài cuối cùng cũng bắt gặp tấm hình Dao chụp cùng vợ con mình. Khuôn mặt họ rạng rỡ căng tràn. Vợ Dao đẹp quá, còn thằng bé có đôi mắt giống hệt Dao lúc nhỏ.

***

Sao nhóm lửa đun một nồi nước lớn, đúng lúc Dao từ rừng về. Vứt con liềm quắm xuống sân, Dao không nói gì lầm lì ngồi đốt thuốc. Sao cằn nhằn: “Anh định để thằng nhỏ thành người rừng chắc? Phải tắm rửa cho nó thường xuyên chứ. Ủa, sao anh còn đứng đó. Đi chặt ngay mấy tàu lá cọ quây tạm cái nhà tắm cho kín gió”. Lúc tắm cho Ơn, Sao thấy một vết bớt đỏ sau lưng. Thằng nhỏ bảo: “Mẹ con đánh dấu đấy. Cho dù ở trên cao tận mấy tầng mây thì mẹ vẫn sẽ nhận ra con đấy”. Sao bất giác ngửa cổ nhìn trời, bắt gặp những tia nắng ấm áp bịn rịn níu vào vạn vật. Dao đứng lặng người bởi cảnh tượng trước mắt. Trong anh hiện về hình ảnh những buổi chiều tan ca, anh về nhà thấy vợ con mình đang tắm cho nhau. Trên bếp cơm đã chín, mùi thức ăn ấm sực cả căn phòng. Dao tranh thủ cho mấy chú chim ăn thóc, nghe tiếng vợ càu nhàu thằng nhỏ: Con ngã ở đâu mà tím trán thế này? Con viết kiểu gì mà mực dính đầy tay? Trời ơi, mực dính cả trên áo đồng phục đây này, làm sao mà tẩy sạch? Thằng nhỏ cười khanh khách khi tay mẹ kỳ cọ trên da thịt. Tiếng nói cười lao xao ấy như vừa mới hôm qua. Người vợ hiền của Dao như đang cười ở ngay trước mắt kia, tay vén mấy sợi tóc mai vừa xõa xuống.

Sao xắn tay áo, cầm chổi cọ loẹt quẹt quét sân. Tiếng chổi va vào ảo ảnh trước mắt Dao, vỡ vụn. Bừng tỉnh khỏi những ký ức tươi đẹp, Dao buông tiếng thở dài. Tiếng thở ấy nhẹ thôi mà len lỏi vào tim Sao đến xót xa. Đàn ông sinh ra đâu phải để thở dài. Đâu rồi Dao của một thời sôi nổi và hoạt bát mà Sao đã từng thương. Đâu rồi nụ cười rạng rỡ đầy hạnh phúc trong tấm ảnh chụp cùng vợ con mà chị từng nhìn thấy. Như không thể chịu đựng được thêm bầu không khí ảm đạm diễn ra ngay trước mặt, Sao hắng giọng:

- Xóm mình nói sẽ cùng nhau giúp bố con anh dựng lại căn nhà, chứ đâu thể sống như thế này mãi được.

- Thằng nhỏ phải tiếp tục đến trường, nó nghỉ học lâu rồi. Đến trường có bạn bè thầy cô chắc nó sẽ vui hơn.

- Thủ tục nhập học chắc cũng đơn giản thôi. Sáng mai anh đi hỏi xem sao.

- Lúc còn sống cô ấy luôn muốn nhìn thấy con trai mình vui vẻ. Khi thằng bé cười, nó giống y chang mẹ.

Sao ngồi soạn lại đống sách vở cho Ơn. Rưng rưng trước hình ảnh của người mẹ đã khuất hiện lên trong nét chữ nắn nót trên nhãn vở. Trong những lời động viên trên từng mẩu giấy nhỏ kẹp vào trang sách. Trong đường chỉ thẳng thớm trên chiếc áo đồng phục của trường cũ, trên chiếc ba lô hình con gấu. Sao vuốt phẳng lại những thơm tho ấy, chuẩn bị để ngày mai thằng nhỏ đến trường. Sao sắm cho thằng nhỏ đôi dép và mấy cây bút mới. Vỗ về những lo âu bé bỏng của Ơn khi phải hòa nhập trong môi trường mới. Buổi sáng đứng ở chân núi nhìn cha con Dao đèo nhau đi học chị xúc động quá chừng. Con đường này ngày xưa Sao vẫn thường chờ Dao để cùng tới lớp. Núi vẫn đứng đó. Con sông nhỏ vẫn lặng lẽ hiền hòa. Những cây trẩu đang chờ mùa hoa rưng rưng đậu những hạt sương sớm lạnh.

Dân xóm Ngòi họp nhau mỗi người góp một chút giúp bố con Dao có một mái nhà. Nhà nào thừa gạch góp gạch, có cát góp cát. Những chuyến xe lôi leo dốc lên đỉnh núi trút xuống từng bao xi măng, từng viên gạch. Dao lần tìm trong chiếc ba lô vẫn còn bám bụi, lôi ra một gói nhỏ dúi vào tay Sao nhờ lo liệu. Căn nhà bỏ hoang bao năm bỗng đông đúc quá chừng. Người nổi lửa nấu cơm, người đào móng, người phụ hồ. Dao đặt những viên gạch đầu tiên cho căn nhà mới. Thằng nhỏ ngồi dưới gốc mai giữ rịt con gà trống không chịu cho ai mổ. Nó nói muốn có hẳn một gia đình gà nuôi cho vui. Tưởng gì chứ, cái đó dễ ợt à. Tối đó hàng xóm bắt sang một đàn gà mới xuống ổ vài ngày. Thằng nhỏ nhảy tưng tưng hôn hít lũ gà con, mặc gà mẹ dồn theo xù cánh. Dao bận lắm. Chuyện, làm nhà ai mà không bận. Mà bận bịu cũng hay, chứ hễ rảnh tay Dao lại ngồi bần thần một chỗ. Chắc là Dao nhớ phố nhớ người.

- Lúc còn sống cô ấy cũng từng ước ao có một mái nhà. Chúng tôi hứa một ngày nào đó sẽ cùng nhau về quê. Nhưng không nghĩ lại phải đưa cô ấy về bằng hình hài tro bụi.

- Đâu ai lường trước được những biến cố thăng trầm. Có một câu thoại trên phim mà em rất thích “Nếu cuộc đời này mà dễ dàng. Thì con người ta không đến cuộc đời này bằng tiếng khóc”.

Mất gần hai tháng trời căn nhà nhỏ của bố con Dao mới hoàn thành. Sao nhìn quanh thấy cái gì cũng thiếu nên đi chợ sắm từ xoong nồi, chục bát, cái chổi quét nhà. Tất cả đồ gỗ trong nhà đều tự tay Dao đóng. Bộ bàn ghế uống nước, chiếc bàn học nho nhỏ cho Ơn, cửa lớn cửa nhỏ còn thơm mùi gỗ xoan đào. Trước hôm làm lễ cúng nhập trạch Dao đã kịp đóng xong bàn thờ mới. Thằng nhỏ nói “nhà kín gió rồi, bà với mẹ không còn lạnh nữa”. Bữa cơm về nhà mới đông vui quá chừng. Cả xóm ai cũng đến mừng cho bố con Dao. Những bàn tay nâng chén rượu mừng còn chưa kịp sạch hết màu vôi vữa. Nắng xuân đổ xuống mái nhà tràn ra mảnh sân chênh chếch. Nắng hong khô mấy bức tường mới sơn, nia măng mới luộc, cả đống quần áo vừa mới mang phơi. Vẫy hai cánh tay mỏi nhừ, Sao cằn nhằn:

- Anh đổ hồ vào quần áo hay sao mà cái nào cũng cứng còng ra. Mà sao tìm khắp nhà không thấy cái kim cuộn chỉ nào để khâu vá chứ?

- Nhà có đàn bà đâu mà cần kim chỉ?

- Ủa, thế không có đàn bà thì được quyền sống tạm bợ sao?

Dao cười ngượng ngùng. Không dưng Sao thấy mặt nóng bừng, người lầm lì thế mà khi cười ngượng ngùng cũng đáng yêu. Đàn bà xứ này những ngày cuối năm bận lắm. Phải thu vén lại bao nhiêu cái bộn bề của cả một năm dài. Lúa phải cấy sớm để mau bén rễ. Cây trên rừng cũng phải kịp thời bón thúc. Nhà có ao thì tát cá bán tết. Không thì cũng lúi húi trong bếp với dưa hành, thịt đông, làm bao loại mứt kẹo vẫn chưa thấy đủ. Sao luôn chân luôn tay, hết lo ở nhà lại chạy lên chỗ bố con Dao. Chị đứng nhìn quanh rồi tự mình thêm thắt vào chỗ này chỗ kia cho thêm màu của tết. Từ chậu hoa cúc mua vội chợ phiên, vài xâu nấm hương để tết nấu canh măng đến mấy bộ quần áo vàng mã cũng từ tay Sao hết. “Em mua để anh đốt cho chị diện tết. Mấy bộ này nhìn đẹp nhất chợ”. Sao ướm lên người Ơn cái áo mới, quay lại hỏi Dao “thấy cưng ghê không?”. Rồi Sao giật mình tự hỏi, ủa cái từ “cưng” ấy đâu phải của mình? Nó là câu của thằng nhỏ Ơn hay khen mấy con vật nhỏ trong nhà. Sao bật cười ngó đám lá dong xanh mướt ngoài bìa rừng nhớ ra đã ngoài hai mươi tháng chạp. Dao như nhớ ra điều gì đó, anh hỏi Sao:

- Ủa sao em chưa chịu lấy chồng? Bằng tuổi em người ta đã con bồng con bế.

- Ừ thì bởi… người thương mình thì mình không thương. Người mình thương thì không thương mình.

- Vậy chứ em thương ai?

- Em ấy à? Thương… bụi.

Mấy lời của Sao khiến Dao ngồi ngẩn ngơ. Chắc anh chưa thể quên được ngày mình trở về nhà bằng khối bụi. Một khối bụi nặng đớn đau vượt cả ngàn cây số chỉ mong về đến cổng nhà để gục xuống, tan ra. Ngay giây phút này ngồi ngắm mùa xuân tràn ngập căn nhà mới tinh tươm Dao vẫn không dám tin đó là sự thật. Những cây keo giống cuối cùng cũng đã được trồng nốt. Toàn bộ số vốn vay ngân hàng theo chính sách trồng rừng sản xuất đều đã được gieo hy vọng trên mảnh đất này. Rồi cây sẽ phủ xanh khắp những dãy núi, những quả đồi. Thằng nhỏ Ơn sẽ lớn lên bình yên trong tình yêu thương đùm bọc của xóm làng. Nó sẽ quên dần nỗi buồn ở phố. Sẽ yêu những con dốc cao, những sườn núi hẹp và đỉnh trời bát ngát mây bay. Yêu một nơi luôn dành cho ta lối về dẫu cuộc đời có trải qua bao biến cố.

Chiều cuối năm Sao gùi tết lên đỉnh núi. Thằng nhỏ vừa nhìn thấy Sao đã vội chạy ra đỡ chiếc gùi đầy ắp mùa xuân. Sao lấy ra một chum rượu nhỏ được ngâm từ loại nếp ngon nhất vùng. Một nắm mùi già để lát nấu nồi nước cho bố con Dao tắm tất niên. Mấy cái bánh chưng vừa mới vớt xong vẫn còn nóng hổi. Thằng nhỏ chạy lăng xăng đòi cầm chổi quét nhà, lấy lọ cắm hoa, ra vườn sau hái lá trầu không. Nhìn cây mai Yên Tử nở vàng rực trước sân nhà, thằng nhỏ bảo:

- Lúc còn sống, tết mẹ con thích nhất là hoa.

- Phải rồi. Hồi ấy nhà trọ chật đâu có chỗ chơi hoa. Mẹ con luôn ước ao “sau này có nhà rộng sẽ mua mai chưng tết”.

- Vậy tết này chắc là chị vui lắm. Mà cây mai cũng lạ, mọi năm toàn ra giêng mới chịu nở hoa. Chẳng biết do được tuốt lá đúng ngày hay vì có hơi ấm con người mà nở bung đúng tết.

Như giật mình nhận ra ngày cuối cùng của năm cũ sẽ trôi qua rất nhanh nên Sao vội vàng đi nhóm bếp đun một nồi nước tắm tất niên. Sao đặt chiếc ghế gỗ giữa sân bắt bố con Dao lần lượt ngồi vào đó. “Râu tóc anh hệt như người rừng vậy. Năm mới mọi thứ phải gọn gàng tinh tươm đúng không Ơn?”. Thằng nhỏ gật đầu lia lịa bảo: “Cô Sao nói đúng đó. Các bạn con nói bố giống như Tarzan trong phim ấy”. Dao ngồi im ngoan ngoãn để mặc Sao cắt tóc cho mình. Anh chợt nghĩ nếu không có tiếng lia kéo tanh tách, tiếng càm ràm của Sao chắc buổi chiều cuối năm sẽ vắng vẻ hơn nhiều. Những sợi tóc vừa rơi xuống tay Dao, chúng đã kết thúc một vòng đời ý nghĩa. Tiễn những sợi tóc trên đầu như tiễn bỏ những buồn đau năm cũ. Hương nước lá mùi già thơm quá, Dao nhắm mắt chầm chậm hít thở khí xuân tràn ngập khắp khoảng sân. Lâu lắm rồi anh mới thấy lòng mình nhẹ nhõm. Có phải khi đi qua mùa đông lạnh giá người ta sẽ càng thêm quý trọng những ngày xuân ấm?

Lúc ngồi ngắm Dao khoác lên mình bộ quần áo mới tinh, Sao như tìm thấy lại hình dung về chàng trai tuổi đôi mươi năm ấy. Đôi mắt sáng, vầng trán rộng, vẻ hoạt bát tươi vui bừng trên khuôn mặt. Bụi không còn cớ gì để tồn tại nơi đây. Chúng tan ra trong nắng xuân ấm áp. Phía xa xa những cây trẩu đã bắt đầu ra lộc. Chẳng mấy chốc đứng ở mảnh sân này nhìn xuống sẽ thấy những tán hoa trắng muốt nở dọc theo sườn núi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.