Guillaume Graechen và chuyện ‘dùng người’ - ‘người dùng’

18/08/2015 12:51 GMT+7

(TNO) Mùa giải 2010, khi Kiatisak Senamuang được bổ nhiệm làm HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai ( HAGL ), HLV Nguyễn Ngọc Hảo - người cũng từng có thời gian thành công với CLB này rỉ tai người viết rằng ‘Sắc’ làm cầu thủ thì hay, chứ huấn luyện sao được...

(TNO) Mùa giải 2010, khi Kiatisak Senamuang được bổ nhiệm làm HLV trưởng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), HLV Nguyễn Ngọc Hảo - người cũng từng có thời gian thành công với CLB này rỉ tai người viết rằng ‘Sắc’ làm cầu thủ thì hay, chứ huấn luyện sao được...

HLV Kiatisak đang giúp bóng đá Thái tìm lại vị thế số 1 Đông Nam Á - Ảnh: Trí Thiện

Quả nhiên là mùa giải ấy, HAGL dưới thời Kiatisak càng đá càng đuối và kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 7. "Sắc" cũng là nguyên nhân chính khiến một cầu thủ tài danh của HAGL là Lee Nguyễn phải sớm khăn gói ra đi.

Bốn năm sau, "Sắc" ngồi lên ghế HLV trưởng tuyển U.23 Thái Lan rồi tuyển quốc gia Thái Lan và đã tạo dựng nên một thế hệ hy vọng mới cho bóng đá Thái. Và bây giờ thì cả Đông Nam Á đều nói đến "Sắc" như nói đến một trong những HLV xuất sắc nhất bóng đá khu vực.

Khi được hỏi điều gì đã tạo nên thành công của mình hôm nay, "Sắc" dẫn ra nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là đã tích lũy được kinh nghiệm cầm quân ở cấp độ CLB, từ V-League đến Thai-League và trong quá trình đó, rõ ràng chính HAGL là nơi mà "Sắc" được tập sự, được trải nghiệm đầu tiên.

Nói không quá, chính mùa giải không như ý với HAGL năm 2010 đã giúp "Sắc" vỡ ra nhiều điều, từ đó xây được viên gạch đầu tiên trong ngôi nhà huấn luyện của mình. 

Đầu mùa giải năm nay, khi bầu Đức nhất nhất trao ghế HLV trưởng HAGL cho Guillaume Graechen thì chính những người bên cạnh bầu Đức cũng hiểu: Guillaume sẽ phải vừa cầm quân vừa học. Và dĩ nhiên nó không phải là một lớp học đặc cách kiểu như ông đã được đi học đặc cách để lấy cái bằng HLV của AFC cho đủ điều kiện hành nghề.
Thầy "Giôm" trong thất bại 0-1 tại Đồng Tháp dẫn đến việc rời ghế HLV trưởng HAGL - Ảnh: Bạch Dương

Đấy là một lớp học nghiệt ngã với những trận đấu khác xa so với những buổi "đứng lớp" hay những cuộc đối đầu ở lứa tuổi “U” mà ông đã từng nhiều lần ghi điểm.

Đấy là một lớp học mà nói như HLV lão làng Lê Thụy Hải thì người ta phải "sử dụng chiến thuật động", chứ không phải "chiến thuật tĩnh" giống như cách mà những thầy giáo bóng đá vẫn dạy cho các cầu thủ trẻ.

Ở lớp học nghiệt ngã ấy, Guillaume Graechen đã thất bại. Nhưng cũng nhờ cái thất bại ấy mà ông sẽ thấm, sẽ ngộ ra nhiều điều và không loại trừ khả năng một ngày nào đó sẽ trở lại một cách trơn tru, ấn tượng hơn. Nếu không phải là sự trở lại ở trận đồ V-League thì có thể cũng sẽ là sự "trở lại" ở một giải đấu nào đó nằm ngoài biên giới Việt Nam.

Như thế, thầy "Giôm" ở mùa giải 2015 rất giống với "Sắc" ở mùa giải 2010. Những mùa giải mà cả hai vừa cầm quân vừa học việc và sau quá trình cầm quân thất bại (nhưng lại là quá trình học việc bổ ích) mà cả hai đều sẽ tích lũy được những bài học quý.

Vấn đề là ngay từ đầu, ông chủ HAGL có hiểu và chấp nhận để đội bóng của mình trở thành nơi để các ông thầy trẻ học việc hay không?

Nếu câu trả lời là "có" thì thôi miễn bàn. Nhưng nếu câu trả lời là "không" thì đúng là sau 2 phi vụ này sẽ có một bài học lớn về dùng người được rút ra.

Từ chỗ dùng người đến chỗ bị người "dùng" lại đôi khi là một khoảng cách rất gần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.