Ông Trần Tử mừng rỡ khi được cô gái tốt bụng mua hết xe bánh |
cao an biên |
Cha già nuôi 4 con khờ
Theo đoạn clip được chia sẻ, cụ ông lớn tuổi, tóc bạc trắng chật vật đẩy chiếc xe bánh tiêu trên đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM). Vừa nghe cô gái gọi: “Cụ ơi!”, ông lập tức cầm những phần bánh tiêu đã bỏ sẵn vào túi đến mời cô gái mua. Sau khi hỏi thăm, ông tâm sự vợ mới mất hồi tháng 8 do dịch Covid-19, ông cũng “xém chết”. Hôm đó là ngày đầu bán lại nhưng từ 10 giờ đến 14 giờ chỉ bán được 3 - 4 cái. Sau đó, cô gái đã đề nghị mua hết bánh cho cụ ông được về nhà sớm để nghỉ ngơi khiến ông xúc động, cảm ơn liên tục.
Chỉ sau 2 ngày đăng tải trên mạng xã hội, đoạn clip đã nhận được hơn 2 triệu lượt xem, hàng chục nghìn bình luận và chia sẻ từ cộng đồng mạng. Tài khoản Quốc Thắng bày tỏ: “Tôi đã khóc khi xem clip này. Thương những người dù lớn tuổi nhưng vẫn lao vào đời kiếm kế sinh nhai”. “Cảm ơn cô gái tốt bụng. Có dịp mình ghé mua ủng hộ cụ”, nickname Úc Bee chia sẻ.
Ông bán bánh tiêu mưu sinh 20 năm nay |
CAO AN BIÊN |
Nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM hoạt động trở lại cần thực hiện những gì? |
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhân vật chính trong câu chuyện trên là ông Trần Tử (75 tuổi) làm nghề bán bánh tiêu khắp các khu vực Q.5, Q.8, Q.10... hơn 20 năm nay để nuôi vợ và các con. Tôi tìm đến căn phòng của một chung cư nhỏ trên đường Phùng Hưng (P.14, Q.5), nơi cụ ông cùng 4 con (3 trai, 1 gái) đang sinh sống, người con lớn nhất 49 tuổi, nhỏ nhất đã 37. Mọi thứ trong nhà đều cũ kỹ, có phần lộn xộn vì nơi này được để lại từ đời của bố mẹ ông.
Cả gia đình ông Tử trong đợt dịch vừa qua đều nhiễm Covid-19, mất mát lớn nhất là vợ ông đã không qua khỏi. Nén đau thương, ông vẫn đẩy xe bánh ra đường như hồi trước dịch để kiếm sống. Các con ông, vì “khờ khờ” nên xin việc không nơi nào nhận, những năm qua vẫn sống bằng nghề bán vé số nay vẫn chưa đi làm lại. Mọi gánh nặng đều dồn lên vai của người cha tóc đã bạc mái đầu.
“Nói thật nếu không có chính quyền địa phương thì cha con tôi không sống được qua dịch. Các anh chị hỗ trợ đồ ăn, thuốc men, tiền bạc rất nhiều. Sau dịch mình không thể trông chờ sự giúp đỡ đó hoài, cũng phải ra đường tự làm chứ”, ông chia sẻ.
Vợ mới mất vì Covid-19, ông cùng các con nương nhau sống |
cao an biên |
Ngày 20.10 là ngày đầu cụ ông bán lại sau dịch, ông không dám nhận nhiều bánh chỉ lấy chừng 55 cái vì chưa biết khách thế nào. Tuy nhiên đẩy hết các con đường lớn nhỏ ở TP.HCM từ sáng tới chiều thì số bánh bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“May sao hôm đó có một cô gái mua hết bánh của tôi. Tôi biết ơn vô cùng. Hôm đó tôi nghe lời cổ về nghỉ ngơi một bữa, hôm sau tôi bán lại tự nhiên đắt hơn, hơn 2 giờ chiều là xong gần 100 cái bánh. Nhiều người nói tôi nổi tiếng trên mạng, thương tôi nên tới ủng hộ”, ông cụ mừng kể.
Bà Trần Huỳnh Thúy Phượng (42 tuổi, hàng xóm cụ ông) cho biết gia đình của cụ vốn có hoàn cảnh khó khăn, sống hiền lành, mọi người xung quanh ở đây ai cũng biết, cũng thương. “Mấy đứa nhỏ khờ khờ nên cũng không phụ gì nhiều, mình ổng đẩy xe bánh tới lui mấy chục năm nay nuôi vợ với mấy đứa con. Từ ngày vợ mất, ổng cứ buồn. Thương lắm”, chị tâm sự.
Tiêm vắc xin Covid-19 cho người trở lại TP.HCM ra sao? |
“Gặp cụ lần nữa, tôi lại mua hết bánh”
Chị Huỳnh Thị Tuyết Ly (31 tuổi, ở Q.1) là người đã mua hết bánh cho ông cụ và chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội. Chị kể hôm đó khi tình cờ gặp được cụ ông, thấy hình ảnh một người lớn tuổi vẫn chật vật mưu sinh khiến chị không kiềm lòng được.
Sau khi biết được hoàn cảnh của cụ, chị Ly đã quyết định mua hết 51 cái bánh còn lại trên xe, mỗi cái giá 5.000 đồng. Sau đó, chị đem số bánh vừa mua phát cho những người khó khăn, cơ nhỡ. Với chị, đó cũng là một cách để lòng tốt được lan tỏa nhiều hơn.
Nén nỗi đau mất vợ, cha già vẫn ra đường mưu sinh nuôi 4 con khờ |
CAO AN BIÊN |
Sau khi câu chuyện được lan tỏa, nhiều người đã đến ủng hộ giúp ông bán đắt hàng hơn |
cao an biên |
Vốn là giáo viên mầm non của một trường quốc tế, suốt những tháng qua chị Ly không thể tiếp tục công việc giảng dạy. Nhờ sự hỗ trợ từ phía nhà trường, chị nói mình không gặp nhiều khó khăn nên cũng muốn chia sẻ với những hoàn cảnh khốn khó sau đại dịch.
“Tôi bất ngờ khi câu chuyện về cụ ông được nhiều người lan tỏa đến vậy. Nếu được gặp lại cụ lần nữa, chắc chắn tôi cũng sẽ mua hết xe bánh. Tôi thấy việc làm của mình là bình thường. Sau dịch, Sài Gòn còn lại yêu thương và đó cũng là cách để chúng ta chữa lành những nỗi đau, mất mát”, chị nói.
Ông Lê Đăng Tuấn, Phó chủ tịch UBND P.14, Q.5 xác nhận gia đình của ông Trần Tử thuộc diện khó khăn của địa phương. Hằng ngày, ông đẩy xe đi bán bánh tiêu nuôi vợ và các con khờ. Trong đợt dịch vừa qua, vợ ông mất vì Covid-19, chính quyền địa phương đã hỗ trợ rất nhiều cho ông cũng như các thành viên trong gia đình.
“Cả gia đình không làm ra tiền nên chúng tôi hỗ trợ cơm ngày 2 bữa, thực phẩm cũng như các gói an sinh, không để ai phải thiếu thốn. Cả 3 đợt trợ cấp, gia đình ông đều được nhận để trang trải phần nào. Khi cả nhà cụ ông nhiễm bệnh, chúng tôi cũng hỗ trợ đầy đủ túi thuốc”, ông Tuấn thông tin thêm.
Bình luận (0)