Gương mặt gen Z: Chàng trai của những ứng dụng

03/02/2023 08:00 GMT+7

Học vượt 1 năm, gen Z Bạch Minh Đức (H.Phú Xuyên, Hà Nội) tốt nghiệp ĐH khi mới 20 tuổi. Trong 3 năm học, Đức đã tạo ra nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ sinh viên trong học tập và cuộc sống.

HỖ TRỢ HỌC TẬP, TÌM VIỆC CHO SINH VIÊN

Tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) vào tháng 6.2022, Bạch Minh Đức lúc này mới 20 tuổi, được rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Đức có điểm IELTS 7.0 từ năm lớp 12 nên được bỏ qua năm nhất, học vượt cấp lên năm 2. Trong 3 năm học ở đây, Đức có thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa nổi bật. Tiêu biểu như: điểm trung bình tích lũy học tập đạt 3.67/4.0; giải ba nghiên cứu khoa học cấp trường 2020 - 2021 với đề tài "Hàng Mã - Con phố hội hè"; đạt nhiều danh hiệu như: Sinh viên xuất sắc; Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư; Đại sứ sinh viên…

Gương mặt Gen Z: Chàng trai của những ứng dụng - Ảnh 1.

Bạch Minh Đức, chàng trai đa tài có nhiều sáng kiến vì cộng đồng

NVCC

Đức rất thích khám phá, thử sức với những điều mới mẻ, nhất là niềm đam mê với công nghệ thông tin. Khi là sinh viên, Đức giữ chức Chủ nhiệm CLB Công nghệ thông tin của trường và đã có nhiều giải pháp, sáng kiến hỗ trợ sinh viên học tập. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, sinh viên học trực tuyến gặp nhiều khó khăn, thắc mắc về vấn đề công nghệ. Vì thế, Đức thành lập cộng đồng mang tên "Không sợ Zoom" nhằm hỗ trợ sinh viên khi học trực tuyến và giải đáp về công nghệ.

Minh Đức cũng có nhiều sáng kiến để hỗ trợ sinh viên trong tìm kiếm việc làm và hoạt động ngoại khóa. Có thể kể đến là sản phẩm sáng tạo SVLinked - ứng dụng kết nối cơ hội việc làm, hoạt động cho sinh viên. Đức cho biết: "Đây là ứng dụng kết nối trực tiếp từ nhà tuyển dụng với sinh viên, cũng là ứng dụng đầu tiên tìm hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên. Ứng dụng với những tính năng nổi bật như: bảng xếp hạng sinh viên theo các tiêu chí hồ sơ nổi trội, tuyển ứng viên theo hình thức nhóm. Tính năng lọc cũng được tối ưu hóa để nhà tuyển dụng hoặc ban tổ chức và sinh viên nhanh chóng tìm được kết nối phù hợp".

Gương mặt Gen Z: Chàng trai của những ứng dụng - Ảnh 2.

Bạch Minh Đức giới thiệu nhóm cộng đồng “Không sợ Zoom” đến các sinh viên

NVCC

Theo Đức, ứng dụng có nhiều khác biệt so với các sản phẩm hiện có, đặc biệt là sự trẻ trung, đơn giản, phù hợp gen Z và là ứng dụng được thiết kế dành riêng cho thiết bị di động… Sản phẩm này đã đạt giải nhì Dự án Đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp; giải nhì Cuộc thi Thắp lửa khởi nghiệp sáng tạo do Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

HỌC NHỮNG ĐIỀU HAY TỪ MẠNG XÃ HỘI

Nhờ khả năng sáng tạo, Minh Đức đã tổ chức và tham gia nhiều hoạt động về chuyển đổi số cho nhà trường, trong đó có việc xây dựng và ứng dụng phần mềm ULIS NOW. "Ứng dụng là nơi trao đổi trực tiếp thông tin giữa nhà trường và sinh viên, nhằm ngăn ngừa sự tiếp nhận những thông tin xấu độc và giúp sinh viên có thông tin nhanh và chính xác nhất", chàng trai đa tài chia sẻ.

Đặc biệt, Đức đã để lại dấu ấn trong đề tài nghiên cứu "Ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến các khu phố truyền thống của VN: Trường hợp phố Hàng Mã". Chia sẻ về đề tài của mình, Đức cho biết bản thân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên rất yêu những con phố truyền thống, đặc biệt là phố Hàng Mã.

"Đây là phố cổ thường bán các mặt hàng đồ chơi có nét đặc trưng của VN. Tuy nhiên, những năm gần đây, khu phố này có nhiều mặt hàng phục vụ cho lễ hội được du nhập từ nước ngoài. Vì vậy, mình muốn tìm hiểu để khơi dậy và lan tỏa nét đẹp truyền thống của khu phố này, mang đến cho người trẻ niềm tự hào và cũng giới thiệu đến bạn bè quốc tế về văn hóa của VN", Đức bày tỏ.

Điểm nổi bật là Đức đã kết hợp với công nghệ thông tin để truyền tải về khu phố, làm cả vlog để người xem có thể tiếp cận khu phố này. Minh Đức cho biết mong muốn của mình là có thể bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đề tài này của nam sinh đã được in trong kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn cầu do T.Ư Hội Sinh viên VN tổ chức.

Đối với Đức, hiểu biết về công nghệ thông tin đã mang lại rất nhiều cơ hội, nên Đức mong muốn các bạn trẻ, nhất là sinh viên, cần cải thiện kỹ năng công nghệ của bản thân. "Các bạn sinh viên đều có thể rèn luyện qua việc làm các bài tập trên lớp mà yêu cầu sử dụng công nghệ hay tự học qua các video trên mạng xã hội hướng dẫn, tự thực hành và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, đơn giản như việc lướt TikTok thôi cũng giúp chúng ta sưu tầm được những mẹo nhỏ hay ho và tăng thêm kiến thức", Đức chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.