Gương sáng biên cương: Cha truyền con nối giữ mốc biên cương

10/08/2021 10:35 GMT+7

Bước vào nhà ông Chá Văn Cụa, một gia đình người Mông ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào, chúng tôi chứng kiến một góc nhà treo đầy bằng khen, giấy khen ông được tặng suốt hành trình 25 năm tình nguyện bảo vệ cột mốc 320.

Gia đình ông Chá Văn Cụa (51 tuổi), ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, H.Quan Sơn. Đây là một trong những bản người Mông đặc biệt khó khăn ở tỉnh Thanh Hóa.
Từ trung tâm TP.Thanh Hóa đến bản Xía Nọi mất khoảng gần 7 giờ đồng hồ đi xe máy. Gian nan nhất và ngốn nhiều thời gian là quãng đường từ trung tâm xã Sơn Thủy đến bản Xía Nọi. Chỉ hơn 20 km, nhưng nhiều đoạn đường cheo leo, vắt ngang các sườn núi, mặt đường toàn những tảng đá lớn nhỏ, lởm chởm có thể hất văng cả xe và người xuống vực sâu nếu bất cẩn.

Cha truyền con nối

Quá giờ trưa, chúng tôi cũng leo đến bản Xía Nọi, rồi vào thẳng nhà ông Cụa. Ngôi nhà bằng gỗ mới dựng, nép sau điểm trường lẻ của bản. Nghe tiếng xe máy đến, từ trong nhà, giọng ông Cụa đã sang sảng vang lên chào khách. Vừa mời chúng tôi dùng bữa trưa với cơm nắm và thịt gà luộc, ông Cụa vừa kể về hành trình gia đình ông cha truyền con nối tình nguyện bảo vệ cột mốc 320 (thuộc địa phận bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy).
Năm 1990, ông Cụa cùng bố mẹ xuyên rừng đi gần 3 ngày trời từ bản Cá Nọi (xã Pù Nhi, H.Mường Lát, Thanh Hóa) di cư đến khu vực thung lũng núi Ba Rẽ (nay là bản Xía Nọi) dựng lán, phát rừng làm rẫy. Lúc này, nhiều người Mông ở xã Pù Nhi và Nhi Sơn (H.Mường Lát) cũng di cư đến đây. Từ một vài hộ dân ban đầu, nay bản Xía Nọi đã có 35 hộ với gần 170 nhân khẩu. Bản nằm cách đường biên giới Việt Nam - Lào khoảng hơn 1 km theo đường chim bay.
Vừa bước chân đến vùng đất mới, nhà chưa kịp dựng kiên cố, nương chưa trồng đủ ngô, sắn để ăn thì cụ Chá Nọ Dính (năm nay 77 tuổi, bố ông Cụa) đã tình nguyện bảo vệ cột mốc biên giới 320 (từ năm 1993). Đến năm 1996, khi thấy con trai cả (là ông Cụa) đã cứng cáp, cụ Dính không trông coi cột mốc nữa. Kể từ đó, ông Cụa tiếp “mệnh lệnh” từ người bố, tiếp nối tình nguyện bảo vệ cột mốc 320. “Ngày đó, cây cối nhiều lắm, không thấy cả đường đi. Nhiều hôm đi theo bố, trời mưa lạnh, sấm chớp nữa. Sau rồi đi nhiều cũng quen. Hai bố con đến cột mốc, chặt cây dại xung quanh cho khỏi lấp cột mốc. Thấy cột mốc không sao thì về báo với cán bộ xã, với cán bộ biên phòng. Mà cột mốc có bị làm sao thì cũng về báo cho cán bộ biết”, ông Cụa kể về thời gian đầu khi được bố dẫn đi chăm sóc cột mốc.
Cha truyền con nối giữ mốc biên cương1

Hơn 20 bằng khen, giấy khen các đơn vị tặng thưởng cho hành trình 25 năm tình nguyện bảo vệ cột mốc của ông Chá Văn Cụa

ẢNH: MINH HẢI

Còn sức là còn đi bảo vệ cột mốc

25 năm qua, đều đặn mỗi tháng ít nhất 4 lần, ông Cụa cắp theo mình con dao từ nhà đi khoảng 3 km đường rừng để chăm sóc, bảo vệ cột mốc 320 nằm trên đỉnh núi Ba Rẽ. “Mình mà không thường xuyên đi là cây mọc lấp mất đường. Còn nhiều đợt trời mưa, gió, cây rừng đổ xuống không có đường đi. Mỗi lần đi mốc đều phải dùng dao phát dọn cây dại mới đi được. Đi mốc một mình cũng nhiều lúc khó khăn, như gặp trời mưa giông, trời tối. Cũng nhiều lần bị vấp ngã, xước chân chảy máu là chuyện bình thường thôi. Có lần chạy xe máy đến bìa rừng để leo bộ lên đỉnh thì xe bị hỏng, phải bỏ xe lại, đi bộ về nhà, hôm sau kiếm đồ đến sửa mới mang xe về được đấy”, ông Cụa kể.
Theo lời ông Cụa, mỗi lần mưa giông, hay lũ xong thì phải đi thăm mốc ngay để tránh việc cột mốc bị ảnh hưởng, sạt lở hoặc xê dịch do thiên tai. Vì thế, mỗi lần thiên tai ập xuống, khi nước mưa còn chưa ráo trên những tán lá rừng, khi nước ở các khe suối còn đổ ào ạt xuống, ông Cụa đã phải vội lên đường đi thăm mốc. “Cột mốc không thể để một phút giây nào bị xê dịch, hay bị tác động gì khác được. Đi thăm mốc sau mưa phải cẩn thận, không khéo là vấp ngã vì trơn trượt, rồi còn dễ xảy ra cây cối gãy đổ, sạt lở đất”, ông Cụa nói.
Không chỉ là người hy sinh công sức, thời gian để góp phần bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, 25 năm qua, ông Cụa còn giữ các vị trí quan trọng để giúp bản đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt các chính sách, pháp luật ở vùng biên. Ông Cụa từng làm Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản và hiện là công an viên. Với những thành tích xuất sắc, 6 năm qua, ông được bình chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa.
Dù là người 25 năm qua vì cộng đồng, dân tộc, nhưng ông Cụa vẫn đảm đương tốt vai trò làm chủ gia đình, trở thành gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhất nhì trong bản. Ông Cụa khoe gia sản của nhà mình gồm 4 con bò, 4 con trâu và 17 mảnh ruộng (khoảng 5 sào, mỗi sào 500 m2). “Cứ sáng sớm là cả nhà lên nương, lên ruộng làm lụng đến tối mới về. Mấy con bò, con trâu ở trong lán, trong rừng, giờ bố Dính đang ở lán để trông. Nhà có 4 đứa con, 2 đứa con gái đi lấy chồng cả rồi. Còn thằng con trai thứ 3 lấy vợ, vợ chồng nó đi làm công nhân ở tỉnh khác rồi. Thằng út thì đang đi học nghề ở dưới TP.Thanh Hóa. Thằng út cứ lúc nào về là nó lại đi thăm mốc cùng bố. Sau này, nếu nó về bản làm ăn, lấy vợ thì sẽ để nó tiếp nối đi coi mốc. Nó bảo cũng muốn làm giống ông, giống bố”, ông Cụa tâm sự.

Giữ yên bản làng vùng biên

Thiếu tá Hà Văn Minh, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (đơn vị quản lý cột mốc 320), cho biết ông Cụa là người tiêu biểu trong số 15 người dân tình nguyện bảo vệ cột mốc trên tuyến biên giới dài hơn 30 km do Đồn đang quản lý.
“Từ cụ Dính cho đến ông Cụa đều là những người rất nhiệt tình, không quản nắng mưa, khó nhọc bao nhiêu năm qua tình nguyện, đồng hành cùng lực lượng Bộ đội biên phòng giữ gìn cột mốc, đường biên. Ông Cụa là người rất tiêu biểu, vì ngoài tình nguyện đi mốc, ông còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh trật tự, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của nhà nước đến người dân, xứng đáng là tấm gương sáng ở nơi phên dậu Tổ quốc”, thiếu tá Minh cho hay.
Ở vùng phên dậu Tổ quốc như Xía Nọi, cuộc sống của đồng bào người Mông còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng có những con người thầm lặng hy sinh như ông Cụa đã giúp cho công tác bảo vệ đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khu vực biên giới ngày một vững chắc. Hơn 20 bằng khen, giấy khen được các cấp, các ngành, đơn vị tặng thưởng cho suốt hành trình 25 năm tình nguyện bảo vệ cột mốc và gìn giữ yên bình cho bản làng thật sự rất xứng đáng đối với ông Cụa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.