Bởi trong thực tế, tại một số bộ, ngành, địa phương đang tồn tại không ít tiêu cực trong việc đề bạt, bổ nhiệm...; thậm chí là chuyện cả họ làm quan, người tài chưa được quan tâm, làm nhân sự theo kiểu “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ ".
Khi đồng nghiệp của chúng tôi phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh chuyện lãnh đạo một số nơi bổ nhiệm người nhà vào các cương vị công tác thuộc mình phụ trách mà vẫn cho rằng “làm đúng quy trình”, ông Dũng cho rằng: Nếu quy trình đúng, mà việc bổ nhiệm vẫn chỉ xảy ra đối với người nhà thì quy trình đó đang bị lợi dụng. Còn nếu người ta thực tâm muốn tìm kiếm người tài, nhưng quy trình lại chỉ dẫn đến được việc bổ nhiệm người nhà, thì quy trình đó sai và cần được sửa đổi.
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra tại 9 địa phương "có vấn đề" mà dư luận phản ánh. Kết quả có 58 trường hợp có quan hệ họ hàng; số có quan hệ ruột thịt là 18 (có chức vụ là 15 người); số có quan hệ họ hàng là 40 người (có chức vụ 22 người). Qua kiểm tra, việc bổ nhiệm đã cho thấy còn thiếu tiêu chuẩn, trình tự, chứng chỉ các loại...
Trong bối cảnh ấy, chợt nhớ đến chuyện cố Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy, một cán bộ mẫu mực của Đảng trong việc dùng người tài mà không dùng người thân rất đáng trân trọng.
Thông qua hậu duệ của cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy (nhiệm kỳ 1987 - 1992), chuyện về quan niệm và cách xử lý trong công tác nhân sự của ông Hoàng Quy lúc sinh thời thật đáng để suy ngẫm, đành rằng cũng sẽ có người cho rằng với quan niệm và cách xử lý như ông, nay chắc gì đã phù hợp, nếu không nói là hơi có phần "cực đoan" (!).
Ông Hoàng Quy về làm Bộ trưởng Tài chính cũng là giai đoạn đất nước khủng hoảng tài chính do lạm phát cao đến mức phi mã, và đã góp một phần không nhỏ vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, giữ ổn định tiền tệ quốc gia. Trước đó ông là Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN), là cộng sự đắc lực của Phó thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt kiêm Chủ nhiệm UBKHNN.
Ông Hoàng Quy cũng từng là Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đầu tiên (lâm thời năm 1947) khi mới 21 tuổi, là một trong hai người trẻ nhất được Bác Hồ và T.Ư cử về làm bí thư 2 tỉnh miền núi Tây Bắc rất khó khăn rồi năm 1951 là Bí thư Tỉnh ủy chính thức. Khi ông về tỉnh Vĩnh Phú làm Bí thư Tỉnh ủy là do được chính cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - tác giả của chủ trương "Khoán hộ" nổi tiếng, giới thiệu làm người kế nhiệm mình (1977).
Nói điều này để thấy ông có bề dày cống hiến với đất nước, thế nhưng cuộc sống đời thường của ông thì thật thanh liêm, giản dị; trong công việc thì tận tụy, sáng tạo, toàn tâm phụng sự đất nước. Có ai hỏi, con cháu ruột thịt của cố bộ trưởng và phu nhân của ông có ai công tác ở Bộ Tài chính không? Câu trả lời là không!
Ông bà Hoàng Quy có 6 người con, không một ai trong số các con và cháu của ông bà làm ở Bộ Tài chính đã đành mà ngay cả người thân của ông và bà cũng không. Bên ông Hoàng Quy có 11 anh chị em ruột; phía phu nhân của ông, bà Nguyễn Thị Bảo Tuệ là chị cả trong gia đình có 14 anh, chị, em ruột (không kể dâu rể). Lúc đương chức, ông Hoàng Quy thường nhắc nhở trong nhà rằng, nếu có người trong đại gia đình mình mà hoàn cảnh khó khăn thì ta nên bày cho người đó cách và nên cùng nhau giúp đỡ vật chất một chút ban đầu gọi là để vượt qua khó khăn. Nhưng "đừng bao giờ giúp để có vị trí và quyền lực trong cơ quan nhà nước bởi như thế dễ làm hỏng gia đình và gây bất lợi cho xã hội"... - ông Hoàng Quy dứt khoát.
Nếu nghe qua, có người sẽ nghĩ, thế thì ông giúp vật chất cho thân nhân được nhiều chăng? Thực tế không phải vậy! Khi ông Hoàng Quy là Ủy viên T.Ư Đảng khóa 5, Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm thứ nhất UBKHNN (1983), cũng cùng dịp với ông Võ Văn Kiệt vừa được Quốc hội bầu làm Phó thủ tướng Chính phủ và kiêm Chủ nhiệm UBKHNN. Một hôm, ông Võ Văn Kiệt thăm gia đình người cộng sự thân thiết của mình, chứng kiến gia cảnh một cán bộ cao cấp sao mà thanh bạch, chẳng có thứ gì đáng giá trong nhà. Thẳng thắn và chân tình, ông đã có ý kiến ngay với Văn phòng UBKHNN bố trí cho ông Hoàng Quy mượn một chiếc ti vi 14 inch trắng đen và một chiếc tủ lạnh để sử dụng.
Cố bộ trưởng không vì người thân mà nâng đỡ, đưa vào làm việc ở những đơn vị thuộc Bộ do mình phụ trách. Ngược lại, với cộng sự có phẩm chất và năng lực, ông để ý phát hiện ra rồi lưu tâm đào tạo, bồi dưỡng tận tình. Trong số đó, đã có vị từng là chánh văn phòng bộ (thời Bộ trưởng Hoàng Quy) và sự nghiệp sau đó đã phát triển đến tầm “tứ trụ”.
Nhìn lại và tham khảo, học tập những tinh hoa của thế hệ tiền bối cách mạng nước nhà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dày công đào tạo và rèn luyện, chúng ta nhận thức rằng sự công tâm và tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ luôn góp phần cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Bình luận (0)