Nền kinh tế hấp thụ vốn còn thấp
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ đầu năm tới nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%/năm trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Do đó, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các NH thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Về điều hành tín dụng, tới ngày 10.7, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14%, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Tính đến ngày 30.6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Dù vậy, trong nửa cuối năm, theo lãnh đạo NHNN, điều hành chính sách tiền tệ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp (DN) suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng.
Đặc biệt, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh, tạo hệ lụy đe dọa an toàn tài chính quốc gia và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong tương lai. Các nguồn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu DN (TPDN), bất động sản chưa được giải quyết căn cơ khiến nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tập trung vào tín dụng NH, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao tiềm ẩn rủi ro tài chính tiền tệ.
Đánh giá cao nỗ lực giảm lãi suất của NHNN và các TCTD, song theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vẫn còn những hạn chế, bất cập như mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều DN vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ xử lý các TCTD yếu kém còn chậm.
Quan điểm chỉ đạo điều hành thống nhất của Chính phủ là ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm đời sống nhân dân, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng).
Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" sang "chắc chắn" (từ tháng 10.2022) và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" (từ tháng 6). Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, giữa NH và DN có mối quan hệ cộng sinh, nhân quả nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. "Nguồn vốn là vấn đề sống còn của DN, cho vay là hoạt động sống còn của NH. Khách hàng chủ yếu của NH là DN. Đây là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi", Thủ tướng nêu.
Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam còn thấp
Giao nhiệm vụ cụ thể về hoạt động tín dụng, Thủ tướng yêu cầu NHNN tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay; xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đầu tư 5.750 tỉ đồng xây cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn
Chiều 15.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực địa 2 dự án đường bộ trọng điểm của Bắc Kạn là cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn và TP.Bắc Kạn - Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang). Tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn dài gần 29 km, tổng mức đầu tư khoảng hơn 5.750 tỉ đồng. Theo lộ trình, dự án sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư từ năm 2023 - 2024; khởi công, thi công xây dựng công trình từ đầu năm 2024 và hoàn thành cuối năm 2025.
Trong chương trình công tác tại Bắc Kạn, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã thăm Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn; dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Nà Tu; thăm Mẹ VN anh hùng trên địa bàn.
Chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN, nhất là DN nhỏ và vừa; đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành NH tham gia phát triển thị trường TPDN lành mạnh, hiệu quả, bền vững; đặc biệt, trong bối cảnh quy mô thị trường TPDN của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á. Theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường TPDN phải đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.
Do đó, cần kiểm soát việc "đại chúng hóa" ở thị trường thứ cấp. Phân biệt giữa TPDN phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm. Tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế; phát triển thị trường TPDN niêm yết…
Mới đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phân loại cụ thể để có biện pháp phù hợp: trái phiếu có khả năng trả nợ; trái phiếu khó có khả năng trả nợ; trái phiếu không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, sai lệch, xuyên tạc, gây tác hại đến sự hoạt động lành mạnh, minh bạch của các thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản...
Bình luận (0)