Lãi vay rẻ cho 5 lĩnh vực ưu tiên
Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) khởi xướng đầu tiên, khi chiều 31.7 đã chủ động tiếp tục giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn từ 1.8 đến hết 31.12.2019 cho các nhu cầu vốn có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định. Đồng thời, dòng vốn lãi suất rẻ đem lại lợi ích tổng thể, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó hồi đầu năm, VietinBank cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ và triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, duy trì mức lãi suất tốt nhất cho khách hàng, với mức lãi suất cho vay VND ngắn hạn từ 6 - 6,5%/năm.
“VietinBank sẽ tập trung vào những đối tượng, phân khúc các DN thuộc lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hàng hóa với hàm lượng chế biến cao, phát huylợi thế sản phẩm. Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngoài các hộ dân, khuyến khích DN tham gia vào sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình liên kết chuỗi, kể cả đơn vị phân phối tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài”, Chủ tịch HĐQT VietinBank chia sẻ thêm với Thanh Niên.
Sau VietinBank, các ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank, Agribank, BIDV cũng đồng thời hạ lãi suất vay ngắn hạn với biên độ dao động ít nhất 0,5%/năm. Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), áp dụng cho tất cả khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; các DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao; cho vay DN khởi nghiệp.
Việc giảm lãi suất lần này, theo Vietcombank được triển khai từ 1.8 - 31.12.2019 trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm tới xấp xỉ 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của ngân hàng.
“Chúng tôi sẵn sàng giảm lãi suất để chia sẻ với DN. Mức giảm là rất cụ thể và danh mục được công bố công khai chi tiết”, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành chia sẻ. Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết, các đơn vị chức năng của ngân hàng đã lên các kịch bản và phương án để có thể triển khai việc hạ lãi suất.
Trước mắt, Agribank sẽ tiến hành giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, dự kiến từ ngày 1.8. Lãnh đạo Agribank cũng chia sẻ thêm, phương án được Agribank lựa chọn là giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt nông nghiệp, nông thôn và nông dân - lĩnh vực chủ lực của ngân hàng.
Về phía các ngân hàng cổ phần, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) TS Nguyễn Văn Lê cũng khẳng định, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay theo mặt bằng chung của toàn hệ thống ngân hàng. Đó là cách để nhà băng chia sẻ với khách hàng của mình.
Linh hoạt nhưng vẫn thận trọng
Theo báo cáo của NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 4,5 - 6%/năm. Mức lãi suất trên dù đã giảm khá nhiều so với trước đó nhưng vẫn chưa đủ để DN trong nước cạnh tranh với nước ngoài khi từ đầu tháng 7 đến nay, một số ngân hàng T.Ư đã cắt giảm lãi suất.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo NHNN cho biết, đợt giảm lãi suất lần này cũng phù hợp với tình hình trong nước và thế giới. Đặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng cũng sẽ cắt giảm khoảng 0,25 điểm phần trăm lãi suất sau gần 1 thập niên vào rạng sáng 1.8 (giờ VN).
Để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của DN, NHNN cũng sẽ có những giải pháp, công cụ hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng tăng thanh khoản, mở rộng tín dụng và giảm lãi suất. “Quan điểm của NHNN có thể giảm lãi suất cho vay ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng và các DN. Tuy nhiên, chính sách sẽ vẫn linh hoạt và thận trọng, tránh tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô”, lãnh đạo NHNN khẳng định.
Nhiều ngân hàng T.Ư trên thế giới cắt giảm lãi suấtTừ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt ngân hàng T.Ư các nước lần lượt cắt giảm lãi suất như Iceland, Úc, New Zealand, Nga, Chile... để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng T.Ư Úc đã 2 lần giảm lãi suất từ tháng 6 đến nay; Ngân hàng T.Ư Ấn Độ giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm.
|
Bình luận (0)