Các cơ quan chức trách Hà Lan đã cố gắng giải quyết vấn đề sau hơn chục vụ việc nghiêm trọng trong năm nay, gây chấn động mặc dù bóng đá nước này không xa lạ gì với đám đông gây rối. Nhưng bây giờ là vấn đề quốc tế sau khi các CĐV đội mũ trùm đầu màu đen của AZ Alkmaar cố gắng xông vào khu vực dành riêng cho người hâm mộ đội khách và gia đình của các thành viên West Ham sau chiến thắng 1-0 của The Hammers trong trận bán kết lượt về Europa Conference League hồi giữa tuần. Chiến thắng này đã giúp West Ham đoạt vé vào chung kết với tổng tỷ số 3-1.
HLV của West Ham, David Moyes thừa nhận rằng ông lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình, trong khi một ngôi sao của đội thuộc Ngoại hạng Anh phải tìm cách tháo chạy khỏi sân để tránh rắc rối.
Cảnh sát chống bạo động Hà Lan đã được gọi đến để đối phó với tình trạng bất ổn. Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) dự kiến sẽ mở một cuộc điều tra về các sự vụ tại Alkmaar. Nhưng ở Hà Lan cũng như một số quốc gia khác, vấn đề này rất khó giải quyết.
"Bạo lực bóng đá là một con quái vật nhiều đầu không dễ diệt trừ", Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Dilan Yesilgoz cho biết trong một bức thư gửi Quốc hội vào tháng 4. Vị bộ trưởng này từng lên án vụ tiền vệ Davy Klaassen của Ajax bị thương ở đầu sau khi một CĐV từ Feyenoord ném một chiếc bật lửa từ khán đài, đồng thời yêu cầu điều tra khẩn cấp.
Tuy nhiên, đây không phải là sự cố duy nhất trong mùa giải này, làm dấy lên câu hỏi về lý do bạo lực và cách chống lại nó. Vào ngày 14.5, một trọng tài đã dừng cuộc đụng độ tại Eredivisie (giải hàng đầu Hà Lan) giữa Ajax và FC Groningen sau chưa đầy 20 phút thi đấu do một CĐV chạy vào sân, sau đó là một loạt bom khói. Cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ hơn 150 CĐV vào đầu tháng này sau khi họ hô vang những khẩu hiệu phân biệt đối xử trên đường đến xem trận đấu giữa AZ Alkmaar và Ajax.
Vào tháng 2, một CĐV 20 tuổi của PSV Eindhoven đã bị cấm đến sân 40 năm vì tấn công thủ môn người Serbia, Marko Dmitrovic của Sevilla tại Europa League. Một số trận đấu khác có sự tham gia của các đội hạng nhất Hà Lan như FC Utrecht, FC Twente, Go Ahead Eagles, RKC Waalwijk và Sparta Rotterdam cũng phải hủy bỏ do hành vi côn đồ. Bộ trưởng Yesilgoz cho biết vào tháng 4 rằng chính phủ đang xem xét các biện pháp gia tăng bao gồm cấm rượu, sắp xếp chỗ ngồi trước và truy tố hình sự nghiêm khắc hơn. Một số côn đồ bóng đá người Hà Lan đã bị trừng phạt, trong đó kẻ tấn công Klaassen phải lao động công ích 60 giờ và Dmitrovic bị phạt tù 2 tháng.
Bình luận (0)