Hà Lan muốn giảm chương trình tiếng Anh, tăng học phí với du học sinh

03/11/2024 09:49 GMT+7

Chính phủ Hà Lan dự kiến cắt giảm số du học sinh trong năm học tới qua loạt biện pháp trong khuôn khổ dự luật mới, nối tiếp đề xuất của các trường ĐH hồi đầu năm.

Hà Lan muốn giảm chương trình tiếng Anh, tăng học phí với du học sinh- Ảnh 1.

Một buổi học ở giảng đường ĐH Maastricht, nơi du học sinh chiếm 59,6% số sinh viên, cao nhất trong các trường Hà Lan

ẢNH: MAASTRICHT UNIVERSITY

Hạn chế du học sinh tới học

Chính phủ mới của Hà Lan đang có kế hoạch siết tuyển sinh quốc tế và tăng cường dùng tiếng Hà Lan trong các chương trình ĐH. Cụ thể, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Eppo Bruins đề xuất tăng tỷ lệ bằng cấp được dạy bằng tiếng Hà Lan, giảm số lượng sinh viên quốc tế và khuyến khích du học sinh ở lại Hà Lan làm việc sau khi tốt nghiệp. Từ đó, Hà Lan có thể cải thiện trình độ ngôn ngữ bản địa và giữ chân nhân tài.

Trong thư gửi tới Hạ viện Hà Lan mới đây, ông Bruins nói các đề xuất sẽ nằm trong dự luật mới mang tên "Cân bằng quốc tế hóa" (WIB). Về phía chính phủ, nước này sẽ giảm 293 triệu euro từ ngân sách cho việc tiếp nhận du học sinh, đồng thời nêu ý định sẽ tăng học phí với những ai không đến từ Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng muốn giảm hỗ trợ tài chính với những sinh viên từ Liên minh châu Âu.

Về phía nhà trường, WIB quy định ít nhất 2/3 chương trình cử nhân phải được dạy bằng tiếng Hà Lan và các trường ĐH chỉ được dạy một chương trình cử nhân hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài khi có sự đồng ý của Bộ Giáo dục. Song, dự luật cũng đề cập đến một số trường hợp ngoại lệ, như các trường vùng biên giới và khu vực có dân số giảm, ngành nghề đang thiếu nhân lực hay những chương trình mang tính quốc tế.

Chính phủ cho biết các trường được giữ quyền tự chủ với việc tuyển sinh nhưng họ "dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp", bắt đầu bằng việc hạn chế tuyển sinh chương trình không dạy bằng tiếng Hà Lan" từ năm học tới. Ông Bruins nhấn mạnh Hà Lan vẫn chào đón du học sinh, nhất là những người tài năng và muốn làm việc tại Hà Lan vì hiện chỉ có khoảng 25% sinh viên quốc tế ở lại nước này sau 5 năm tốt nghiệp.

Cũng theo ông Bruins, số lượng sinh viên quốc tế tăng nhanh trong những năm gần đây khiến việc tìm nhà ở trở nên khó khăn hơn, các giảng đường thì chật cứng còn việc dùng tiếng Hà Lan bị giảm đi trong môi trường học đường. Đây cũng là những lý do thúc đẩy chính phủ Hà Lan tăng tốc triển khai dự luật và dự kiến thông qua vào 2025, theo Nuffic, tổ chức chuyên về quốc tế hóa giáo dục của chính phủ Hà Lan.

Hà Lan muốn giảm chương trình tiếng Anh, tăng học phí với du học sinh- Ảnh 2.

Du học sinh tại ĐH Amsterdam, ngôi trường có đông sinh viên quốc tế nhất ở Hà Lan vào năm học 2023-2024 với 14.855 người

ẢNH: UNIVERSITY OF AMSTERDAM

Các trường ĐH chỉ trích

Tại Hà Lan, các cơ sở giáo dục ĐH được nhà nước tài trợ và chia thành hai loại là trường ĐH nghiên cứu (14 đơn vị) và trường ĐH khoa học ứng dụng (41 đơn vị). Trước đó vào tháng 2, nhóm 14 trường ĐH nghiên cứu nước này (UNL) công bố kế hoạch hạn chế du học sinh và chương trình tiếng Anh, cũng áp dụng với bậc cử nhân như dự luật hiện tại, và bắt đầu có hiệu lực từ năm học này.

Tuy nhiên, trong thông cáo phản hồi, Chủ tịch UNL Caspar van den Berg nhận định các trường ĐH "rất quan ngại" với dự luật mới của chính phủ vì có thể xói mòn chất lượng giáo dục, gây khó cho việc thu hút nhân tài đồng thời "xua đuổi du học sinh", hoàn toàn đi ngược lại cách tiếp cận thận trọng mà nhóm này đã đề ra. Điều này sẽ khiến Hà Lan mất vị thế dẫn đầu về kinh tế tri thức, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền giáo dục ĐH.

Tương tự UNL, nhóm các trường ĐH khoa học ứng dụng (VH) cũng công bố kế hoạch riêng về việc áp trần tuyển sinh người nước ngoài vào tháng 3 và dịch chuyển số du học sinh qua các chương trình dạy bằng tiếng Hà Lan bằng các khóa học tiếng miễn phí. Và đáp lại đề xuất của chính phủ, Chủ tịch VH Maurice Limmen cho rằng Bộ trưởng Bruins đang "dùng dao mổ trâu giết gà" với dự luật mới.

Bởi lẽ, theo VH, 92% khóa học đào tạo nghề nghiệp bậc cao đang được dạy bằng tiếng Hà Lan và dòng sinh viên quốc tế đã bị hạn chế trong những năm gần đây. Việc tiếp tục hạn chế hơn nữa khả năng cung cấp các chương trình tiếng Anh sẽ gây thiệt hại cho thị trường lao động, vốn cần nhân lực tốt nghiệp từ những chương trình này. Đó cũng là lý do VH kêu gọi các chương trình tiếng Anh hiện có được miễn trừ khỏi quy định mới.

Nhìn chung, các trường ĐH Hà Lan đã đề xuất kế hoạch riêng để kiểm soát số sinh viên quốc tế và tăng cường vai trò của tiếng Hà Lan trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Tuy nhiên, chính phủ liên minh mới, với sự tham gia của đảng cực hữu PVV, đã có quan điểm cứng rắn hơn trong việc hạn chế quốc tế hóa, theo bình luận của chuyên trang The PIE News.

Theo Nuffic, Hà Lan ghi nhận 128.004 sinh viên quốc tế theo học bằng cử nhân, thạc sĩ tại các cơ sở giáo dục ĐH trong năm học 2023-2024, chiếm 16% tổng số sinh viên nước này. Trong đó, Việt Nam có 1.408 du học sinh, đông thứ 9 trong số các quốc gia ở ngoài khu vực kinh tế châu Âu và tăng 131 người so với năm học 2022-2023. Ba ngành được du học sinh chọn nhiều nhất ở Hà Lan là kinh doanh quốc tế, tâm lý học và kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.