Để chuẩn bị cho đợt trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp vào ngày 16.4, nhiều bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vận động sự ủng hộ của cộng đồng người dân nước này ở nước ngoài, theo tờ Le Monde.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đến TP.Rotterdam của Hà Lan vào sáng 11.3 để dự một buổi mít tinh về cuộc trưng cầu nhưng sau cùng phải bỏ ý định vì máy bay của ông không được phép hạ cánh. Ông Cavusoglu đã phải chuyển hướng sang TP.Metz của Pháp và dự một buổi mít tính tương tự tại đây.
Không lâu sau, đến lượt đoàn xe của Bộ trưởng Gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betül Sayan Kaya đi từ TP.Dusseldorf (Đức) đã bị chặn khi còn cách lãnh sự quán của nước này ở Rotterdam chỉ 30 m. Sau hơn 4 giờ điều đình bất thành, đoàn của bà Kaya đã bị cảnh sát Hà Lan áp giải quay về Đức.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lập tức có lời đáp trả khi cho phong tỏa các cơ quan ngoại giao của Hà Lan là đại sứ quán ở Ankara và lãnh sự quán ở Istanbul “vì lý do an ninh”. Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan nhận định động thái của Amsterdam là “mang âm hưởng của phát xít” và tuyên bố: “Quý vị có thể hủy chuyến bay của Ngoại trưởng Cavusoglu như mong muốn nhưng rồi sẽ thấy từ nay máy bay của quý vị được đón tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào”.
Ngay sau khi vừa về đến sân bay của TP.Istanbul, Bộ trưởng Gia đình Kaya nhận định chính phủ Hà Lan đã đối xử với bà một cách “thô thiển” và “tồi tệ”. Còn ông Cavusoglu cảnh báo Amsterdam sẽ nhận hậu quả nặng nề “về ngoại giao, chính trị và kinh tế”, và tuyên bố Hà Lan là “thủ đô của chủ nghĩa phát xít”.
Sáng 12.3, hàng ngàn người đã tập trung trước Lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul để phản đối. Một người đã leo vào bên trong để tháo cờ Hà Lan, thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ cũng biểu tình trước lãnh sự quán nước này ở Rotterdam suốt nhiều giờ liền. Để đảm bảo an ninh, khu vực trung tâm của thành phố đã bị phong tỏa tạm thời, cảnh sát dùng vòi rồng và thả chó nghiệp vụ để giải tán đám đông.
Trước những diễn biến trên, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tối 12.3 đã tìm cách xoa dịu tình hình khi khẳng định sẽ “làm mọi thứ có thể để xuống thang căng thẳng”. Theo ông Rutte, Amsterdam từ trước đã cho biết không hoan nghênh 2 vị bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến Rotterdam để vận động cho kỳ trưng cầu nhưng họ “phớt lờ”.
Trước Hà Lan, nhiều nước châu Âu như Áo, Đức, Thụy Sĩ... cũng không ủng hộ đợt vận động này của Ankara và đã cấm tổ chức một số buổi mít tinh.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định kết quả cuộc trưng cầu có ảnh hưởng rất lớn đối với chính quyền của ông Erdogan. Nếu được người dân ủng hộ, hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những thay đổi quan trọng như quyền hành pháp được chuyển từ thủ tướng sang tổng thống và quyền lực của vị nguyên thủ quốc gia sẽ được tăng cường đáng kể.
Tại châu Âu, cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ rất đông, đặc biệt là tại Đức (3 triệu người), Pháp (650.000 người) và Hà Lan (400.000 người)... Nếu được lượng cử tri này ủng hộ, đó sẽ là một lợi thế lớn cho ông Erdogan.
Bình luận (0)