Hạ Long sẽ ứng dụng internet vạn vật, AI, Blockchain vào dạy học

14/11/2024 13:26 GMT+7

TP.Hạ Long đưa ra các kế hoạch phát triển các công nghệ hiện đại vào giáo dục như internet vạn vật (IoT), đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy, dữ liệu lớn và Blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi từ giáo dục mầm non đến trung học.

Ngày 14.11, UBND Thành ủy Hạ Long tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Hội thảo có sự tham gia của 400 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các giáo viên, cán bộ quản lý các trường học trên địa bàn.

Đưa AI vào giảng dạy

Theo ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, trong những năm qua, để nâng cao chất lượng giáo dục, địa phương này đã đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để phục vụ việc giảng dạy.

Hạ Long sẽ ứng dụng internet vạn vật, AI, Blockchain  vào dạy học- Ảnh 1.

Hạ Long đầu tư lớn để sớm ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO

ẢNH: N.H

Riêng năm học 2024 - 2025, thành phố đang cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất 68 trường với kinh phí 41 tỉ đồng, đầu tư xây mới 9 công trình với tổng số tiền 151 tỉ đồng, mua sắm tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp cho 63 đơn vị trường học với kinh phí 19 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm này, thành phố có 70/117 trường đạt chuẩn quốc gia, dự kiến đến hết năm 2024 có 87/117 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 75%). Tất cả điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo ra cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, học tập thường xuyên.

Hạ Long sẽ ứng dụng internet vạn vật, AI, Blockchain  vào dạy học- Ảnh 2.

Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, phát biểu tại hội thảo

ẢNH: N.H

Bên cạnh đó, để thực hiện tiêu chí xây dựng môi trường học tập trong cộng đồng, thành phố đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học trên toàn thành phố như "Công dân học tập", "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập".

Tính đến hết năm 2023, số gia đình đạt "Gia đình học tập" bằng 90% tổng số hộ đăng ký và 83% số hộ dân toàn thành phố; "Dòng học học tập" đạt 72% trên tổng số dòng họ; "Cộng đồng học tập" cấp xã đều xếp loại từ khá trở lên; 100% đạt đơn vị học tập.

Cũng theo ông Vũ Quyết Tiến, để nâng cao hiệu quả trong công tác dạy và học, các cơ quan quản lý của địa phương đang tập trung triển khai việc chuyển đổi số trong giáo dục nhằm xây dựng một hệ sinh thái học tập thông minh, nơi học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhà trường có thể dễ dàng kết nối, tương tác với nhau.

Đáng chú ý, thành phố đưa ra các kế hoạch phát triển các công nghệ hiện đại vào giáo dục như internet vạn vật (IoT), đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy, dữ liệu lớn và Blockchain sẽ được ứng dụng rộng rãi từ giáo dục mầm non đến trung học, nhằm hiện đại hóa hệ thống giáo dục và xây dựng môi trường học tập toàn diện, kết nối; tạo điều kiện để cá nhân hóa việc học, quản lý thông tin học sinh, giáo viên một cách khoa học và chính xác.

Ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu

Bà Vi Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hạ Long, cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành giáo dục địa phương này là sẽ ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO.

Hạ Long sẽ ứng dụng internet vạn vật, AI, Blockchain  vào dạy học- Ảnh 3.

Quang cảnh hội thảo

ẢNH: N.H

"Việc tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giúp người dân Hạ Long có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới; đồng thời, nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực", bà Hạnh cho biết.

Để sớm được ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO, theo GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), TP.Hạ Long trong kỷ nguyên mới cần tập trung vào các giải pháp như xây dựng và triển khai phát triển nguồn nhân lực của Hạ Long theo hướng tiến bộ và hiện đại; tăng cường phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; đảm bảo chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ bảo mẫu và giáo viên mầm non; đổi mới quản trị giáo dục và thúc đẩy tự chủ trong trường học; chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ tài chính cho học sinh...

Hiến kế cho sự phát triển giáo dục của TP.Hạ Long trong kỷ nguyên mới, GS-TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Hạ Long hướng đến giáo dục đổi mới sáng tạo xanh, thông qua phân tích 8 khía cạnh quan trọng của giáo dục 6.0 khi kết hợp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, gồm: tư duy khởi nghiệp xanh và sáng tạo vì phát triển bền vững; chương trình giáo dục về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững; công nghệ hỗ trợ sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh trong nhà trường; đào tạo kỹ năng mềm và tư duy doanh nhân; hợp tác quốc tế và tham gia cộng đồng toàn cầu; thực hiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp bền vững trong giáo dục; xây dựng và triển khai bảng xếp hạng giáo dục đổi mới sáng tạo xanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.