Hà Nội bàn cách sử dụng 600.000 chiếc khẩu trang lậu khi thị trường khan hiếm

12/02/2020 19:06 GMT+7

Đang giữ 600.000 chiếc khẩu trang là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, theo quy định là phải tiêu hủy, nhưng trong bối cảnh khan hiếm khẩu trang do virus Corona , Hà Nội đáng tính cách sử dụng số khẩu trang này.

Hà Nội cần 2,2 triệu khẩu trang mỗi ngày khi học sinh trở lại trường

Chiều 12.2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch virus Corona (nay đã có tên gọi quốc tế chính thức là Covid-19) thành phố Hà Nội, đại diện Cục Quản lý thị trường đã bày tỏ băn khoăn về việc xử lý khẩu trang không rõ nguồn gốc, khẩu trang lậu do lực lượng này bắt giữ.
Theo vị này, tuy số hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, nhưng có nhiều hàng là Hàn Quốc, Nga, Nhật… (dựa trên bao bì), có thể đảm bảo chất lượng để sử dụng.

Hàng trăm người xếp hàng dài dằng dặc mua khẩu trang y tế vì sợ virus corona

Trong bối cảnh khẩu trang vô cùng khan hiếm, nguyên liệu để sản xuất lại khó nhập như hiện nay, Cục Quản lý thị trường mong muốn Ban chỉ đạo cho ý kiến về cách xử lý số hàng hóa này, theo hướng Sở Y tế thành phố phối hợp để giám định chất lượng, số nào đảm bảo có thể mang ra sử dụng.
“Hôm qua, Đội Quản lý thị trường số 1 có bắt được 140.000 khẩu trang, toàn là hàng trong nước sản xuất, nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Bây giờ chúng ta chỉ cần truy xuất lại công ty nào sản xuất là có thể xác định được chất lượng và có thể đưa vào phát miễn phí tại trường học hay sử dụng vào chỗ nào đó có ích”, đại diện Cục Quản lý thị trường đề nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đồng ý với đề nghị trên, yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Quản lý thị trường kiểm tra chất lượng để có thể sung công, phát miễn phí khi học sinh trở lại lớp học.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu phun tiêu độc, khử trùng các trường học lần thứ 3 vào cuối tuần này

Ảnh V.H

Liên quan đến việc cho học sinh có thể trở lại trường vào tuần tới, nếu dịch không có diễn biến xấu thêm, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý thông tin: hôm qua, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Thông tin – Truyền thông đã họp để thống nhất hướng dẫn chi tiết cách chống dịch cho học sinh khi có lệnh trở lại trường.
Các lưu ý cụ thể về phòng dịch trong trường là giáo viên phải làm gì, học sinh phải làm gì, học sinh có đeo khẩu trang hay không, sử dụng hóa chất nào… sẽ có cụ thể vào ngày mai (13.2), theo ông Quý.
“Nếu tất cả các cháu học sinh đều đeo khẩu trang thì có nghĩa là chúng ta cần 2,2 triệu chiếc mỗi ngày, chi phí là 7 tỉ đồng. Mà không chỉ Hà Nội cần, sẽ là toàn quốc, trong bối cảnh thiếu khẩu trang như thế này. Phải tính toán cách nào đó, không chỉ sử dụng một loại khẩu trang y tế”, ông Quý nêu và một lần nữa trấn an các địa phương là sẽ có hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay nhiều lãnh đạo quận, huyện của Hà Nội cũng than phiền về việc không có chỗ mua khẩu trang và đề nghị Sở Công Thương chỉ chỗ. Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Công ty dệt kim Đông Xuân đã có 4 điểm bán khẩu trang kháng khuẩn (dùng được 10 lần, với giá 7.000 đồng/chiếc) trên địa bàn Hà Nội. Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên chiều 12.2, các điểm này đều đông nghịt người xếp hàng mua. Do đó, giải pháp về vấn đề khẩu trang, để người dân hiểu có thể sử dụng nhiều loại khẩu trang khác nhau chứ không chỉ khẩu trang y tế, là rất cần thiết.

Hàng trăm người xếp hàng dài dằng dặc mua khẩu trang y tế vì sợ virus corona

Cho sinh viên Vĩnh Phúc nghỉ học thêm để kiểm soát dịch?

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng chính thức yêu cầu 30 quận, huyện và Giám đốc Sở Y tế phối hợp để triển khai việc khử độc, tiêu trùng lần thứ 3 vào thứ 7, chủ nhật này tại tất cả các trường học. Thêm vào đó, trước cửa tất cả các phòng học phải có xà phòng hoặc nước rửa tay khô để các cháu rửa tay thường xuyên, vì hiện đây vẫn là biện pháp quan trọng nhất để phòng dịch. ”Tinh thần là chuẩn bị môi trường tốt nhất cho các cháu đi học trở lại cho yên tâm”, ông Chung nhấn mạnh.
Liên quan đến tình hình dịch ở Vĩnh Phúc, một số lãnh đạo quận, huyện lo lắng và đề nghị: nên chăng để sinh viên Vĩnh Phúc tiếp tục nghỉ học thêm, cả khi sinh viên các tỉnh khác đã trở lại trường, để có thể kiểm soát việc lây lan dịch.
Trả lời đề nghị này, lãnh đạo Hà Nội cho rằng biện pháp trên sẽ chỉ thực hiện khi Chính phủ có chỉ đạo. Còn hiện nay, nếu các trường mở cửa lại, sinh viên Vĩnh Phúc cũng sẽ đi học bình thường. “Chỉ các trường hợp có triệu chứng thì đưa vào các cơ sở y tế cách ly”, ông Chung đề nghị.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến 15 giờ ngày 12.2, Hà Nội đang giám sát tại bệnh viện 56 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Covid-19 (7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 45 trường hợp khác đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài), trong đó, số trường hợp đã xét nghiệm âm tính là 54, chỉ còn 2 trường hợp đang chờ kết quả (1 ở Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 1 ở Bệnh viện 198 - Bộ Công an).
Có 1.568 trường hợp được cách ly y tế và theo dõi, giám sát sức khỏe do có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch về. Hiện còn 739 người tiếp tục phải cách ly theo dõi sức khỏe.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.