Hà Nội chi hàng trăm triệu USD chống ngập, phố vẫn thành 'sông'

12/05/2021 15:21 GMT+7

Sau trận mưa đầu mùa chiều 11.5, nhiều tuyến phố Hà Nội đã lại thành "sông " khiến không ít người rơi vào cảnh cực nhọc “bơi” qua phố ngập úng để về nhà...

Mưa không quá lớn nhưng phố lại thành "sông"

Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) công bố trong tối 11.5, đa số các quận, huyện của thành phố đều có lượng mưa phổ biến từ 50 - 100 mm trong khoảng hơn 1 giờ thời điểm chiều tối.
Trong số các điểm quan trắc lượng mưa được công bố của Công ty Thoát nước Hà Nội, các quận nội thành Hà Nội có lượng mưa lớn hơn khu vực ngoại thành. Chỉ có Q.Cầu Giấy có điểm quan trắc đo được lượng mưa lên đến hơn 134 mm….
Trận mưa đầu mùa có lượng mưa không quá lớn, nhưng cũng đã khiến nhiều tuyến phố ở Hà Nội biến thành "sông". Người dân thủ đô lại tái diễn cảnh "bơi" trên phố, vượt đường ngập, tắc để về nhà, xe chết máy…
Dù lực lượng công nhân phải đứng túc trực gần những miệng cống để đảm bảo cống thông, tiêu úng nhanh nhất…, nhưng cũng phải nhiều giờ sau trận mưa, nước mới rút, trả lại đường mặt đường phố hết ngập úng. Nước rút nhưng nỗi lo phố thành "sông" của người Hà Nội bao giờ mới rút hẳn?

Trận mưa đầu mùa không quá lớn nhưng hệ thống thoát nước ở TP.Hà Nội hoạt động kém hiệu quả, nước ngập đường, tràn vào nhà dân

Ảnh Trần Cường

Công ty Thoát nước Hà Nội cũng cho biết, hồi đầu tháng 4 mới đây, Hà Nội chỉ còn 11 điểm ngập úng khi trời mưa lớn, chủ yếu ở khu vực nội thành, phía tây... Để đảm bảo thông thoáng thoát nước trong mùa mưa, đơn vị đang thực hiện nạo vét hệ thống truyền dẫn là cống, mương, kênh, sông… tại các trục tiêu thoát nước chính để khơi dòng chảy. Đồng thời, sẽ tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, đập điều tiết. Tổ chức đóng cọc, căng dây, lắp đặt lan can cảnh báo nguy hiểm dọc bờ mương; vận hành ổn định, đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn 2 trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch…
Tuy nhiên, ngay trong và sau khi trận mưa đầu mùa tối 11.5 diễn ra, không ít người lại nhắc lại ước mơ Hà Nội tươi đẹp như Paris, trong khi cả người và xe đang lội bì bõm để về nhà. Nghịch cảnh này khiến nhiều người không khỏi thất vọng về năng lực tiêu thoát nước của Hà Nội đã trở thành vấn nạn khó giải quyết hàng chục năm qua.

Đầu tháng 4 vừa qua, theo Công ty Thoát nước chỉ còn 11 điểm ngập úng nhưng thực tế sau trận mưa không quá to vào chiều tối 11.5 thì trên địa thành phố tồn tại hàng chục điểm ngập úng

Ảnh chụp màn hình trang web Công ty Thoát nước

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn quốc gia, với những trận mưa có lượng mưa như trận mưa đầu mùa tối 11.5 thì không phải là hiện tượng bất thường. Đấy chỉ là một dạng mưa giông nhiệt thường xảy ra khi áp thấp nóng phía đông phát triển và chịu tác động của gió đông nam yếu từ biển vào. Trong thời gian tới, khu vực Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc sẽ còn thường xuyên xảy ra các trận mưa tương tự nên người dân cần theo dõi những bản tin dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh các rủi ro hơn.
Ngay công bố của Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đã thừa nhận rất nhiều điểm ngập úng khi có trận mưa vào chiều tối 11.5. Nhìn vào bảng thông báo những điểm ngập úng dù mưa không lớn, chắc chắn nhiều người không khỏi ngao ngán về hệ thống thoát nước của TP.Hà Nội dù được chi hàng trăm triệu USD để chống ngập nhưng hiệu quả chưa mấy rõ ràng.

Chi hàng trăm triệu USD chống ngập

Theo GS - TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, việc cải tạo hệ thống thoát nước của Hà Nội lấy tiêu chí giảm số điểm ngập úng theo từng năm. Nhưng cách làm này thực chất là “rách đâu, vá đấy”. Dù chống ngập là việc không dễ đối với những đô thị có lịch sử lâu đời như Hà Nội nhưng chi nhiều tiền để làm rồi mà năng lực tiêu thoát nước vẫn kém như vậy thì cần phải xem lại phương pháp, cách thực hiện.
GS - TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, không thể chỉ xử lý những điểm cục bộ theo kiểu rách đâu vá đấy mà cần có đánh giá, phương pháp tổng thể cho toàn thành phố và cả vùng thủ đô. Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước nhưng với tốc độ đô thị hoá mạnh, thành phố phát triển loang rộng nhanh thì cần có tính toán điều chỉnh phù hợp để nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội và ngoại thành. Tầm nhìn quy hoạch phải tính đến khả năng thoát nước cho hàng chục năm, tính toán đến cả biến đổi khí hậu, tận dụng nguồn nước mưa…

Nỗi lo hễ mưa là ngập đường của người dân Hà Nội bao giờ dứt dù nhà nước đã chi hàng trăm triệu USD chống ngập?

Ảnh Trần Cường

KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội, đề nghị, cần có quy hoạch tích hợp tổng thể từ xây dựng, đô thị hóa, giao thông, thoát nước, xử lý thải… Bởi những vấn đề đô thị như Hà Nội đang đối mặt cũng giống như nhiều thành phố trên thế giới đã trải qua, đối với khu vực nội đô không có quỹ đất rộng, có thể học hỏi kinh nghiệm phát triển không gian ngầm đa chức năng, trong đó có chứa nước khi cần.
Vẫn theo vị KTS này, Hà Nội có thể phát triển không gian ngầm trong đô thị làm bãi đỗ xe, đường giao thông, hồ ngầm chứa nước mưa để tận dụng làm nước tưới cây, rửa đường, chữa cháy… Nếu có giải pháp kỹ thuật kết hợp được đa chức năng như vậy, vừa tiết kiệm tiền xây dựng, vừa sử dụng tài nguyên tiết kiệm trong điều kiện nước ngọt ngày càng hiếm, đô thị thông minh.
Đối với khu vực ven trung tâm, đô thị mới, khi đẩy mạnh xây dựng đồng nghĩa với triệt tiêu vùng xốp để thẩm thấu nước khi mưa, nên cần đảm bảo nguyên tắc bù lại, bằng cách duy trì công viên, sân vận động, hồ điều hòa đúng chỉ tiêu kỹ thuật, nâng khả năng tự thẩm thấu nước khi mưa…
''Hà Nội ngoài việc duy trì thoát nước theo nguyên tắc tự chảy như hiện nay, cũng cần chú trọng xây dựng các trạm bơm thoát nước cưỡng bức ven các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… để rút ngắn quãng đường tập trung nước, tạo thành nhiều điểm cuối nguồn thoát nước tiêu úng nhanh hơn'', KST Ánh kiến nghị. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.