Hà Nội có 100 công trình kiến trúc hiện đại tầm Đông Nam Á

20/12/2021 07:00 GMT+7

Một cuốn sách tại Nhật Bản sẽ công bố, giới thiệu các công trình kiến trúc hiện đại của Đông Nam Á. Trong đó, Hà Nội có 100 công trình.

Từ nhà hát lớn đến cung thiếu nhi

PGS-TS Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, vẫn nhớ những ngày còn sinh hoạt thiếu nhi ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Với những hành lang dài nối nhau, cô bé Loan có thể chạy từ không gian này sang không gian khác, chạy sang sân chơi ở tầng hai nơi có chiếc ghế mặt trăng. Dọc hành lang là những hoa nắng tạo từ tấm chắn nắng. Trên sân thượng có không gian cho các đội viên mê thiên văn.

“Không gian được xử lý tài tình khiến trẻ con luôn có cảm giác muốn khám phá. Đó đúng là một thế giới thiên thần. Cung có ngôn ngữ kiến trúc đẹp, thoát ly hoàn toàn khỏi kiến trúc thuộc địa hay dân gian trước đó”, PGS-TS Loan nói.

Nhà hát Lớn Hà Nội vừa kỷ niệm 110 năm xây dựng

Lê Huy

Giờ đây, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong 100 công trình kiến trúc hiện đại tiêu biểu, được lựa chọn để đưa vào sách giới thiệu Kiến trúc hiện đại Đông Nam Á. Theo đó, thành phố tiêu biểu trong một nước sẽ lựa chọn 100 công trình kiến trúc hiện đại tiêu biểu của mình để đưa vào giới thiệu. Mỗi công trình sẽ có hình ảnh và khoảng 200 chữ giới thiệu kèm theo.

“Đây là dự án do Đại học Tokyo Nhật Bản khởi xướng cùng một số đối tác Đông Nam Á. Họ ra một cuốn sách về kiến trúc hiện đại Đông Nam Á. Chúng tôi trao đổi với nhau để có danh sách cuối, trước đó phía Nhật Bản cũng có danh sách đưa ra”, kiến trúc sư - TS Trương Ngọc Lân (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết. TS Trương Ngọc Lân và PGS-TS Phạm Thúy Loan cùng tham gia dự án này.

Theo bà Loan, mốc đưa ra để lựa chọn công trình kiến trúc hiện đại chính là thời điểm các nước châu Á nhận ảnh hưởng phương Tây qua các chương trình thuộc địa. Kiến trúc vì thế có ảnh hưởng tư tưởng châu Âu vào châu Á. Với Việt Nam, thời điểm được tính sẽ là thời điểm ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Trong danh sách vì vậy bao gồm cả kiến trúc thời Pháp thuộc. Một trong số đó là Nhà hát Lớn - công trình vừa kỷ niệm 110 năm xây dựng. Ngoài ra cũng có các công trình kiến trúc xã hội chủ nghĩa sau này.

Một số công trình được lựa chọn trong danh sách: chợ Đồng Xuân, Nhà thờ Lớn Hà Nội, tòa nhà của Bộ LĐ-TB-XH, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Nhà hát Lớn Hà Nội, Trường THPT Chu Văn An, nhà tù Hỏa Lò, nhà khách Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhà hàng Thủy Tạ, Cung Thiếu nhi, Bưu điện Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu tập thể Trung Tự, Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, nhà 30 Hoàng Diệu (nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Bệnh viện Saint-Paul, Ngân hàng Nhà nước…

Tháp nước Hàng Đậu

Ngọc Thắng

Những sáng kiến không gian bị bỏ quên

Theo PGS-TS Phạm Thúy Loan, trong giai đoạn kiến trúc hậu thuộc địa, các công trình xây dựng ở Việt Nam ảnh hưởng trào lưu kiến trúc hiện đại trên thế giới và cũng phản ánh lòng tự tôn dân tộc. Các kiến trúc sư Việt Nam tiếp thu tư tưởng phương Tây nhưng lại chuyển hóa sang một hình thức cũng như ngôn ngữ, cách triển khai phù hợp với khí hậu và văn hóa bản địa. Vì vậy, giai đoạn hậu thuộc địa là giai đoạn có nhiều giải pháp kiến trúc đặc sắc, có sự kết hợp của ngôn ngữ kiến trúc hiện đại quốc tế và xử lý phù hợp bối cảnh bản địa. “Giai đoạn này xuất hiện những kiến trúc made by Vietnamese, chứ không phải do kiến trúc sư Pháp nữa. Nó khác với kiến trúc thuộc địa ảnh hưởng kiến trúc sư Pháp hoặc kiến trúc sư Pháp đào tạo”, bà Loan nói.

Theo bà Loan, với các kiến trúc hậu thuộc địa, có thể thấy các sáng kiến trong xử lý không gian, kết cấu và giải quyết bài toán khí hậu. Chúng được triển khai trong một giai đoạn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, vật liệu, công nghệ nhưng đã thể hiện một sự vươn lên tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng. Vì thế, nếu giữ được các công trình giàu tính văn hóa lịch sử này, Hà Nội sẽ có nhiều câu chuyện di sản để khơi dậy yêu thương và tự hào.

Tuy nhiên, theo bà Loan, nhận thức chung về kiến trúc giai đoạn hậu thuộc địa trong đó có kiến trúc xã hội chủ nghĩa chưa phát triển. “Nó có ngôn ngữ kiến trúc theo vẻ đẹp của máy móc nên hơi xa với khái niệm di sản theo nghĩa mọi người hay bị găm kiểu đình đền chùa. Tuổi của công trình cũng chưa đến trăm năm chứ không quá cổ xưa như người ta quan niệm về di sản. Vì những công trình này chưa được nhìn nhận trọn vẹn về giá trị nên cũng chưa có được sự chăm sóc duy tu bảo dưỡng, không nhận được quan tâm chú ý nhiều của chủ quản công trình. Vì vậy, theo thời gian nhiều công trình bị mai một vẻ đẹp gốc, bị sửa chữa kiểu tình thế”, bà Loan nhận định.

PGS-TS Khuất Tân Hưng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng các công trình được đưa vào danh sách 100 công trình kiến trúc hiện đại tiêu biểu này gồm nhiều loại khác nhau, với quy mô khác nhau. Trong đó có nhà công cộng, nhà ở… nhiều kiểu. Chính vì thế, để đưa ra cách bảo tồn chung thì sẽ khó khăn. Theo ông Hưng, khi bảo tồn cần đánh giá theo từng trường hợp cụ thể chứ không phải cái gì cũng bảo tồn hết. Ngoài ra cần đánh giá cả tính tổng thể của công trình. “Chẳng hạn, các công trình trong quần thể với nhau tạo ra sự hấp dẫn. Như các công trình trong khu vực không gian quanh hồ Gươm chẳng hạn. Chúng ở cạnh nhau và tạo ra không gian lớn hơn cần bảo tồn”, ông Hưng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.