Hà Nội có 26 phố đi bộ

30/08/2016 06:00 GMT+7

Từ 1.9, nhiều tuyến phố quanh hồ Gươm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ được tổ chức thành không gian đi bộ với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, wifi miễn phí...

Sau tuyến phố đi bộ đầu tiên gồm trục Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường lên đến chợ Đồng Xuân vào năm 2004, rồi 6 tuyến phố đi bộ gồm Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ vào năm 2014, UBND TP.Hà Nội hôm 24.8 đã họp thống nhất từ 1.9 sẽ tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận. Theo đó, không gian đi bộ mới sẽ bao gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường), Lò Sũ, Hàng Dầu, khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Gai đến Lê Thái Tổ), một phần Bảo Khánh, Tràng Thi, Hàng Trống, Hồ Hoàn Kiếm. Như thế, cộng cả các tuyến phố đi bộ cũ và mới, Hà Nội sẽ có tổng cộng khoảng 6,5 km đường dành cho việc đi bộ.
Thời gian thực hiện phố đi bộ từ 19 giờ ngày thứ sáu đến 24 giờ ngày chủ nhật, thí điểm từ 1.9 đến hết năm 2016. Kinh phí do ngân sách TP.Hà Nội và nguồn tài trợ, đóng góp của doanh nghiệp. TP cũng giao Q.Hoàn Kiếm phối hợp với các sở liên quan lắp đặt và khai thác wifi miễn phí quanh khu vực hồ Gươm. Sở TT-TT đã lên kế hoạch triển khai cung cấp hệ thống wifi công cộng tại 21 điểm quanh khu vực hồ Gươm để bắt đầu triển khai từ 1.9. Sở GTVT Hà Nội bố trí 78 điểm trông xe với diện tích lên tới 17.000 m2, có thể chứa 87 xe khách; 607 ô tô con; 2.751 xe đạp, xe máy…
Đi bộ nghe hát xẩm, hát xoan…
Hà Nội có phố đi bộ 2
Đêm nhạc phố cổ với nhạc truyền thống sẽ được mang ra phố đi bộ mới Ảnh: Bình Nguyên
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết dự kiến Sở sẽ có nhiều hoạt động ở phố đi bộ. “Khi chạy thử từ 1.9, cái gì có sẵn thì chúng tôi tổ chức hoạt động trước. Sẽ có nhấn mạnh ở 3 điểm. Điểm thứ nhất ở Nhà Kèn, vườn hoa Lý Thái Tổ tổ chức biểu diễn các nhạc cụ dân tộc. Thứ hai, bên cạnh đền Ngọc Sơn, đối diện đền Bà Kiệu sẽ tổ chức hát xẩm, hát xoan, hát ca trù. Thứ ba là xung quanh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì tổ chức xiếc đường phố. Nhóm xiếc ở Nhà hát Xiếc tạp kỹ Hà Nội. Trong tương lai ở quảng trường này sẽ có biểu diễn nghệ thuật ánh sáng”, ông Động nói.


Ít nhất người ta có thói quen dành quyền cho người đi bộ trong đô thị. Trước mắt có thể sẽ có tắc nghẽn giao thông vì chúng ta đang quen di chuyển bằng xe máy. Nhưng cái đó sẽ dần dần giải quyết


PGS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN


Bà Thùy Lan, Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết sẽ điều phối để có khu giải trí cho người lớn tuổi, thanh niên và thiếu nhi. “Ở Ban Quản lý phố cổ trên phố Đào Duy Từ, chúng tôi có nhiều hoạt động. Bây giờ, chúng tôi sẽ phối hợp để đưa các hoạt động này ra phố đi bộ. Nhìn tổng thể, chúng tôi có chia thành các khu vực cho các đối tượng người lớn tuổi, thanh niên và thiếu nhi. Người trung niên thích khu đọc sách và không gian yên tĩnh sẽ có phố sách ở Nguyễn Xí. Còn đền vua Lê và đền Bà Kiệu có nhạc truyền thống. Phố Lê Thái Tổ có nhạc đương đại cho thanh niên. Sân chơi cho trẻ em chạy từ Đinh Tiên Hoàng về đến Hàng Dầu, gắn với Nhà hát Múa rối Thăng Long. Đợt thử nghiệm này, Sở Du lịch cùng với nhóm My Hanoi sẽ tổ chức trò chơi dân gian cho thiếu nhi ở đó”.
Tác động tích cực
Ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, cho hay các tuyến phố đi bộ đã tác động tích cực đến đời sống người dân. Nó tạo nhiều việc làm cho người dân phố cổ, chủ yếu chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Số lượng cửa hàng kinh doanh đã tăng lên, giá cho thuê cũng tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trước đây. Q.Hoàn Kiếm chính là đơn vị trình và điều phối việc mở rộng tuyến phố đi bộ.
Sống ở khu phố cổ nhiều năm, họa sĩ Lê Thiết Cương ủng hộ việc mở rộng không gian phố đi bộ, vì “Có những chỗ ở trung tâm Hà Nội phải đi bộ mới thấy hết vẻ đẹp của nó” và “Quanh hồ Hoàn Kiếm không nhiều nhà dân, chủ yếu là cơ quan. Nên chỉ đi bộ vào tối cuối tuần là ổn”.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, hồ hởi: “Chỉ cần ý nghĩ người đi bộ được tôn trọng thì đã là cái gì đó hết sức thay đổi của Hà Nội rồi”. Theo PGS-TS Thông, mở rộng không gian đi bộ là tăng không gian an toàn hơn cho người dân sinh hoạt. “Cả Hà Nội có chỗ cho người ta đi bộ mấy đâu. Đến ngay cả cái vỉa hè cũng để xe không cho người ta đi bộ. Chưa kể toàn đi ô tô vào không à. Nên có chủ trương này là đúng. Bây giờ mở cả một không gian đi bộ thì tốt quá còn gì”, ông nói.
Điều quan trọng hơn, theo ông, nó sẽ mở ra một thói quen mới là tổ chức không gian cho đi bộ. “Ít nhất người ta có thói quen dành quyền cho người đi bộ trong đô thị. Trước mắt có thể sẽ có tắc nghẽn giao thông vì chúng ta đang quen di chuyển bằng xe máy. Nhưng cái đó sẽ dần dần giải quyết”, ông Thông nhận định.
Nhìn tổng thể hơn, họa sĩ Lê Thiết Cương phân tích: Mở rộng phố đi bộ cùng với tác động từ việc Hà Nội dự kiến gỡ bỏ “giờ giới nghiêm” (tức quy định các tụ điểm vui chơi giải trí không được hoạt động sau 24 giờ) và xây thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn sẽ góp phần mạnh mẽ thúc đẩy du lịch thủ đô. “Nhìn mô hình thành công ở ngã tư quốc tế Tạ Hiện mà xem, khách du lịch sẽ đổ về nếu làm tốt phố đi bộ. Cộng thêm xóa bỏ giờ giới nghiêm, khách sẽ được vui chơi nhiều hơn trên những tuyến phố đi bộ đã được quy hoạch thêm điểm giải trí. Như vậy, sẽ tạo cơ hội cho du lịch phát triển hơn”, ông Cương nói.
Tuy nhiên, ông Cương cũng khuyến cáo chính quyền nên rút kinh nghiệm từ những tuyến phố đi bộ trước đó, tránh tình trạng như mấy năm nay Hàng Ngang, Hàng Đào có chợ đêm nhưng bán toàn các thứ đồ rẻ tiền của Trung Quốc. “Chúng ta phải có cửa hàng lưu niệm, dịch vụ giải khát hoặc sân khấu nhỏ cho âm nhạc… Bên cạnh đó, phố đi bộ có thể tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, kỹ năng làm đồ thủ công theo chuyên đề. Tháng này, tổ chức giới thiệu nghệ thuật làm gốm, tháng sau lại giới thiệu về lồng đèn. Như thế sẽ luôn có cái mới để thu hút người xem”, ông Cương nói. Còn PGS-TS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh điều quan trọng là cần đưa không gian sinh hoạt vào không gian đi bộ đó. “Đừng cấm thanh niên trượt patin. Đừng cấm thanh niên ca hát… Rồi nên có chỗ đi xe đạp trong không gian xanh đó”, ông Thông nói.
Ý kiến
Bà Ngọc Quyên, chủ doanh nghiệp ở phố Bảo Khánh: “Khi thí điểm chính sách mới về phố đi bộ quanh hồ Gươm, Bảo Khánh sẽ thành phố đi bộ. Chúng tôi sẽ đi lại khó khăn hơn một chút vì xe máy thì vẫn có thể vào nhà nhưng ô tô thì không vào được. Nên chắc chúng tôi sẽ phải gửi ô tô ở ngoài rồi đi bộ về nhà. Nhưng với chính sách này chúng tôi lại bán hàng muộn được. Ngoài hàng lưu niệm tôi còn kinh doanh bar và bar sẽ được mở tới 2 giờ. Như thế tốt quá”.
Bà Hải Anh, phố Hàng Hòm: “Phố Hàng Hòm không thuộc những phố phải cấm đường để dành cho đi bộ. Chúng tôi chỉ ở sát cạnh những phố đó thôi. Nhìn chung, tôi không thấy bị ảnh hưởng gì nhiều. Khi đi cũng có thể phải đi vòng một chút nhưng không sao. Việc đi bộ cũng chỉ diễn ra vào các tối cuối tuần, không phải ngày đi làm nên cuộc sống vẫn diễn ra bình thường”.
Ngữ Yên (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.