Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố.
Theo quyết định trên, cơ quan tham gia tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố tại số 34 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội...
Tuy nhiên, bản nội quy này gây tranh cãi vì có quy định “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Quy định này đặt ra dấu hỏi về việc Hà Nội đang vượt quá thẩm quyền.
Trước đó, khi thảo luận về dự án luật Tiếp công dân năm 2013, một số ý kiến đã đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi tiếp công dân vào điều 6 - Các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, khi dự luật ra đời đã không có quy định này, nhưng để lại điểm 8, cấm "vi phạm các quy định khác trong nội quy, quy chế tiếp công dân".
Trao đổi với báo chí chiều 7.1, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp dân T.Ư, cho biết Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân T.Ư khi chưa được sự đồng ý của phụ trách trụ sở tiếp dân.
Lý do của việc ban hành quy chế này là “để người dân giám sát cũng tốt, nhưng có người livestream (trên mạng xã hội) với những lời lẽ bình luận không đúng mực; có một số người không quay phim, chụp ảnh để giám sát mà mang động cơ khác”, theo ông Điệp.
Ông Điệp cũng cho rằng, “quy chế do thủ trưởng cơ quan ban hành nên không sai”, dù “bình thường tôi tiếp công dân bà con quay phim, ghi âm hết cả, cán bộ công chức thì có ngại gì đâu”.
“Ban Tiếp công dân T.Ư có quy định đó, nhưng vừa qua tiếp công dân ở TP.HCM cũng quay trực tiếp hết. Có những công dân trong quá trình quay có lời lẽ bình luận không đúng mực làm ảnh hưởng đến quyền của người tiếp dân. Người tiếp dân là công chức nhưng cũng là công dân. Quy định như thế nhằm "đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan công quyền”, chứ không phải công dân đến đó muốn làm gì thì làm", ông Điệp nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều cùng ngày, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc Hà Nội ra một quy định căn cứ trên luật Tiếp công dân, luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Nghị định hướng dẫn thi hành luật Tiếp công dân mà đặt ra những chế định không có trong luật là không phù hợp.
Hiện cả luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này (là 2 văn bản Hà Nội lấy làm căn cứ để ra quyết định ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố) đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân.
Dẫn chiếu việc ghi âm, ghi hình đối với cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ đã từng gây tranh cãi trước đây, đại biểu Xuyền cho rằng, cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, chứ không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.
Tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình như thế nào và sử dụng các âm thanh, hình ảnh đó như thế nào lại phải tuân theo những quy định của pháp luật tương ứng.
Đại biểu Xuyền cho rằng, công dân có thể sử dụng các dữ liệu đó để đảm bảo quyền của mình, ví dụ làm căn cứ để xác định cán bộ tiếp dân đã tiếp nhận đơn thư chưa, đã trả lời công dân như thế nào..., nhưng nếu sử dụng để tải lên mạng xã hội, bôi nhọ, mạt sát cán bộ tiếp dân, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín hay gây ra các thiệt hại khác, thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo các quy định của luật pháp tương ứng.
Bình luận (0)