Nước tại Hà Nội đã an toàn để ăn uống
Chiều 22.10, tại buổi giao ban Thành ủy thường kỳ, UBND TP.Hà Nội tiếp tục thông tin cập nhật về tình hình cấp nước sạch sau sự cố dầu bẩn ở đầu nguồn Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Theo đó, đến nay, công tác súc xả đường ống, thau rửa bể ngầm, bể mái tại các tòa nhà chung cư, văn phòng… đã cơ bản hoàn thành, trừ một số khu chung cư có đơn đề nghị được tự thau rửa bể sau khi nguồn nước sông Đà ổn định.
Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố cũng lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng để tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày.
Liên tục trong 6 ngày, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố trực tiếp lấy mẫu và phối hợp với Viện sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) tiến hành phân tích mẫu nước tại các hộ dân trên địa bàn 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy nước sông Đà, gồm: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.
Kết quả cho thấy 69/69 mẫu có chỉ tiêu Styren đạt quy chuẩn theo QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Hiện nay Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố vẫn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Hà Nội chính thức công bố, đến nay, nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.
Tuy nhiên, “để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân”, Hà Nội đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội… tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe stéc và bình nước loại 20 lít nếu ai có nhu cầu.
Hà Nội cũng đề nghị nhân dân trong vùng cấp nước sông Đà khi phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào điện thoại ngay đến số điện thoại 0903.461.980 của Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng.
Hà Nội cũng đề nghị Viwasupco tiếp tục cung cấp nước miễn phí đến hết ngày 31.10.
Đầu tiên chính quyền Hòa Bình phải bảo vệ nguồn nước?
Tại cuộc họp lần này, nhiều phóng viên cũng đã truy hỏi về vấn đề bảo vệ an ninh nguồn nước khi khai thác nguồn nước ngầm. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận bảo vệ an ninh nguồn nước mặt khó hơn rất nhiều so với nước ngầm trước kia.
“Thành phố sẽ tăng cường bảo vệ nguồn nước, trong đó nước sông Đà có nhiều thành phần phải bảo vệ nhất. Phải bảo vệ từ nguồn nước mặt sông Đà, đến kênh dẫn, đến hồ Đầm Bài, cũng như suối Bằng… phải khoanh vùng để bảo vệ an toàn. Các cấp chính quyền đã có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình. Phải bảo vệ. Đầu tiên chính quyền địa phương phải bảo vệ nguồn nước”, ông Lê Văn Dục nói và cho biết “tỉnh Hòa Bình cũng biết, xác định rồi, tập trung vào công tác bảo vệ nguồn nước, từ nguồn nước dẫn vào đến các suối đến hồ Đầm Bài”.
Ông Dục cũng “hứa”, sau sự kiện này sẽ tiếp tục đi kiểm tra để rà soát các điểm thông tin còn yếu, còn hở và quy rõ trách nhiệm chỗ nào là của chính quyền, chỗ nào của nhà máy sản xuất, chỗ nào của đơn vị truyền dẫn, chỗ nào của đơn vị phân phối, chỗ nào bể nhà dân.
“Ta phải an ninh từ nguồn nước thô đến nguồn nước tinh, cho đến nhà máy, trạm bơm 2 cho đến truyền dẫn cấp 1, cho đến đường phân phối, cho đến các đơn vị. Như vậy chúng ta khoanh vùng vào, xây dựng cơ chế bảo vệ, khoanh rõ trách nhiệm, chỉ rõ. Phải đi kiểm tra, rà soát, thông qua các ngành trước khi ta ra biện pháp”, ông Lê Văn Dục nhấn mạnh thêm.
Bình luận (0)