Hà Nội đẩy mạnh tín dụng chính sách xã hội, hướng tới người nghèo

17/10/2022 12:51 GMT+7

UBND TP.Hà Nội vừa chỉ đạo về việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ nguồn vốn T.Ư và thành phố, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên.

UBND TP.Hà Nội vừa chỉ đạo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Nhờ được vay vốn phát triển sản xuất, nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội đã thoát nghèo

Thạch Thảo

Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu NHCSXH tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm tham mưu bố trí ngân sách thành phố bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH hằng năm tạo nguồn lực ổn định, bền vững để tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn gắn với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong từng giai đoạn.

Ngoài ra, chi nhánh NHCSXH TP.Hà Nội cũng cần tập trung quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số theo chỉ đạo của NHCSXH T.Ư để phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại nhằm đem lại nhiều tiện ích và phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Qua 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, UBND TP.Hà Nội đã tập trung nguồn lực qua NHCSXH triển khai cho vay được trên 2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 42.896 tỉ đồng, doanh số thu nợ đạt 30.442 tỉ đồng, dư nợ bình quân chung của 17 chương trình tín dụng là 39 triệu đồng/khách hàng, tăng 37 triệu đồng/khách hàng so với thời điểm nhận bàn giao.

Trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 43,5 triệu đồng/hộ, tăng 42,5 triệu đồng/hộ so với thời điểm nhận bàn giao.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn của thành phố, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho trên 243.000 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 814.000 lao động; giúp cho gần 147.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 746.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo…

Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng; góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.