Hà Nội đề xuất cắt điện, nước đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng

03/09/2023 10:21 GMT+7

Trong dự thảo luật Thủ đô sửa đổi, UBND TP.Hà Nội đề xuất cắt điện, nước đối với các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vũ trường, quán vi phạm về đất đai, xây dựng, phòng cháy.

UBND TP.Hà Nội vừa báo cáo tình hình soạn thảo luật Thủ đô sửa đổi và xin ý kiến các đơn vị liên quan về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó có việc cắt điện, nước đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng.

Hà Nội đề xuất cắt điện, nước đối với công trình vi phạm đất đai, xây dựng - Ảnh 1.

Nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng tại hồ Đồng Đò (H.Sóc Sơn, Hà Nội) đang tiếp tục được hoàn thiện. Chính quyền sở tại cho biết đang gặp nhiều khó khăn khi xử lý do vướng quy định hiện hành. Một lãnh đạo UBND H.Sóc Sơn cho biết, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho lực lượng chức năng là do quy định hiện hành không cho phép cắt điện, nước.

NGUYỄN TRƯỜNG

Theo đó, tại điểm b khoản 2 điều 7 luật Thủ đô sửa đổi thể hiện, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thủ đô.

Lý giải đề xuất này, Hà Nội cho biết hình thức cắt điện, nước với các công trình vi phạm trước đây được nêu trong Nghị định 180 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Xây dựng năm 2003. Luật Xây dựng năm 2014 không còn quy định này, gây khó khăn trong xử lý vi phạm tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước vì ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, can thiệp bất hợp lý vào quan hệ dân sự giữa các chủ thể. Việc này cũng ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính, ví dụ cắt điện nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, nhưng người dân có lợi ích liên quan.

Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, người dân và giao dịch dân sự nên UBND TP.Hà Nội đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến về nội dung này.

Theo kế hoạch, dự án luật Thủ đô sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6, cuối năm 2023.

Trước đó, năm 2012, luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2013. Sau hơn 10 năm thực hiện, luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa xử lý được các vấn đề tồn tại do "lịch sử để lại" như: ùn tắc giao thông, thoát nước, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học... ra khỏi khu trung tâm.

UBND TP.Hà Nội đang đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị đối với 16 nội dung quy định trong dự thảo luật Thủ đô sửa đổi để tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển của Hà Nội.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.