Để đồng bộ hệ thống cây xanh cho tuyến phố Vũ Tuấn Chiêu (thuộc không gian đi bộ Trịnh Công Sơn), mới đây, UBND Q.Tây Hồ (Hà Nội) đã đề xuất di chuyển, chặt hạ nhiều cây xanh.
Theo đó, có 54 cây xanh được đề xuất đưa đi trồng tại vườn ươm, gồm: 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng ta đem đi trồng tại vườn ươm. Riêng 20 cây giáng hương (đường kính 20 - 30 cm, cao 8 - 10 m) được giữ lại, 1 cây dướng bị chặt hạ.
Ngay sau khi di chuyển, chặt hạ 55 cây xanh nêu trên, Q.Tây Hồ sẽ tổ chức trồng cây giáng hương (đường kính 25 - 30 cm, chiều cao khoảng 8 m) thay thế.
Trên cơ sở đề xuất của UBND Q.Tây Hồ và qua kiểm tra thực tế, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 40 cây nhãn đã già cỗi và không thuộc chủng loại cây trồng trên đường phố; keo, bàng… không thuộc chủng loại cây trồng đô thị.
Theo ghi nhận, hàng nhãn được trồng trên vỉa hè ở đoạn giữa phố Vũ Tuấn Chiêu. Những cây nhãn này đã được trồng khoảng 20 - 35 năm, cao khoảng 4 - 5 m, với tán cây có đường kính khoảng 3 - 4 m. Đầu phố Vũ Tuấn Chiêu giao ngõ 612 Lạc Long Quân, 2 vỉa hè được trồng cây keo, cây bàng đan xen lẫn nhau, thân cây cao khoảng 10 m.
Chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (làm việc tại Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), bày tỏ quan điểm ủng hộ đánh chuyển, chặt hạ hàng cây xanh ở phố Vũ Tuấn Chiêu vì các loại cây: nhãn, keo, bàng… không phù hợp trồng ở phố đi bộ.
"Ở phố đi bộ nên trồng loài cây tôn vẻ đẹp của đường phố. Đặc biệt là vào mùa hè, cây trồng ở phố đi bộ cần có nhiều bóng mát để tạo cảm giác thoải mái cho người dân", ông Cường nói.
Về đề xuất của UBND Q.Tây Hồ, chuyên gia này cho rằng, có thể trồng cây giáng hương vì "hoa đẹp, dáng đẹp, có bóng mát" nhưng nên trồng xen kẽ thêm loại cây xanh khác có bóng mát quanh năm vì cây giáng hương vào mùa đông sẽ rụng lá như "cành củi khô".
Bình luận (0)