Hà Nội đi tìm chính sách để thoát cảnh 'khát' bãi đỗ ô tô

07/12/2023 16:11 GMT+7

Thừa nhận kết quả triển khai bãi, điểm đỗ xe ô tô theo quy hoạch đang vô cùng hạn chế, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo HĐND thành phố sửa đổi Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND rồi 'cùng đi tìm chính sách' để khắc phục tình trạng 'khát' bãi đỗ ô tô.

Chiều 7.12, tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP.Hà Nội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội, trong đó có vấn đề về quy hoạch bãi đỗ ô tô.

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Bích Thủy (tổ đại biểu Q.Cầu Giấy) cho biết do nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách, cơ chế nên thủ đô đang thiếu trầm trọng bãi đỗ ô tô, đặc biệt là khu vực nội thành. Do đó, bà Thủy đề nghị UBND TP.Hà Nội nêu ra giải pháp để thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời tháo gỡ, khắc phục thực trạng thiếu bãi đỗ ô tô.

Hà Nội đi tìm chính sách để thoát cảnh 'khát' bãi đỗ ô tô - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn trả lời chất vấn

KHẮC HIẾU

Trả lời chất vấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn, cho biết dự án đầu tư xây dựng để phát triển giao thông có 2 thể loại, một là giao thông động, hai là giao thông tĩnh. Hiện, hệ thống quy hoạch, trong đó có quy hoạch chuyên ngành đều đã thiết lập.

Cụ thể: Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31.3.2016 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1218/QĐ-UBND ngày 8.4.2022 phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố; Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15.3.2022 phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm…

Theo quy hoạch, mật độ chiếm đất của giao thông động phải đạt từ 20 - 26%, nhưng hiện thành phố chỉ đạt gần 13%. Ngoài ra, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang thấp, đạt 0,5% trong khi tốc độ gia tăng phương tiện đối với ô tô là gần 10%...

Ông Tuấn cho biết, Quyết định số 1218/QĐ-UBND có 1.620 bãi, điểm đỗ (hay còn được gọi là điểm giao thông tĩnh), trong đó có 73 điểm ngầm, 96 điểm nổi nhưng hiện chưa phát triển, đầu tư được điểm giao thông tĩnh ngầm nào. Nguyên nhân do sự phức tạp về cơ chế, chính sách liên quan luật Đất đai trong việc giao đất không gian ngầm. 

"Hiện luật Đất đai sửa đổi cũng đề cập việc quản lý, sử dụng đất không gian ngầm. Cũng như luật Quản lý, phát triển đô thị, rồi cơ chế chính sách phát triển không gian ngầm đang được Bộ Xây dựng nghiên cứu để quản lý", ông Tuấn cho hay.

Hà Nội đi tìm chính sách để thoát cảnh 'khát' bãi đỗ ô tô - Ảnh 2.

Hình ảnh ô tô "nuốt chửng" vỉa hè trước cửa Khu liên cơ Võ Chí Công hồi tháng 2 vừa qua

QUỲNH VÂN

Xem nhanh 20h: Bát nháo bãi xe 'lậu' ở Hà Nội

Theo ông Tuấn, năm 2019, HĐND TP.Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND trong đó khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô nhưng một số cơ chế, chính sách trong nghị quyết chưa tạo được sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, tỷ suất đầu tư các bãi đỗ xe tĩnh ngầm cao gấp 3 lần tỷ suất đầu tư bãi đỗ xe nổi.

Để giải quyết được vấn đề giao thông tĩnh ngầm, ông Tuấn cho rằng phải phát triển không gian ngầm, đồng thời nghiên cứu cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư tổng hợp.

"Chắc chắn phải có đề án đề xuất nội dung này. UBND thành phố sẽ nghiên cứu, báo cáo HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND. Trên nền tảng này, chúng ta cùng đi tìm chính sách để xử lý việc này. Chứ hiện nay, kết quả vô cùng hạn chế", ông Tuấn nói, và cho biết, dự kiến sẽ trình đề án vào quý 2/2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.