Hà Nội đổi giờ làm, giờ học: Phát sinh nhiều điểm ùn tắc mới

07/02/2012 03:31 GMT+7

Tại cuộc họp tổng kết nhanh thực trạng sau 5 ngày thực hiện đổi giờ làm, giờ học giữa Sở GTVT Hà Nội và các trường học trên địa bàn (6.2), đại diện Phòng CSGT TP.Hà Nội cho biết, trong khi buổi sáng lưu thông diễn ra bình thường thì buổi chiều lại xảy ra ùn ứ trái với quy luật thông thường.

Theo đó, sau đổi giờ, một số điểm là các cổng trường tiểu học, THCS thường xuyên xảy ra ùn tắc. Phát sinh một số điểm ùn tắc tại các điểm trước đây không xảy ra như đường Lý Thái Tổ, Phan Đình Phúc, Trúc Khê, Phương Mai… do các trường cùng tan lúc 5 giờ chiều, phụ huynh tập trung đón. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vẫn cho rằng, nguyên nhân tắc đường do phụ huynh tập trung đón cùng giờ, không liên quan gì đến chuyện đổi giờ!


Phụ huynh tập trung đón con vào lúc 5 giờ chiều gây cảnh ùn tắc cục bộ - Ảnh: Ngọc Thắng

Ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh

Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Khối mầm non, tiểu học không bị tác động lớn của đổi giờ, nhưng nhức nhối nhất là học sinh khối THPT. Dù có nhiều trường gửi văn bản đề nghị điều chỉnh lại giờ, nhưng Sở GD-ĐT yêu cầu các trường không được điều chỉnh giờ”. Ông Nhật cũng chỉ ra những vướng mắc cơ bản nhất khi thực hiện đổi giờ: với khối mầm non, tiểu học phát sinh tăng thêm giờ cho giáo viên. Khối THCS thời gian giao ca sáng - chiều quá gần nhau (cách nhau 15 phút), dẫn tới ùn tắc cục bộ ở cổng các trường. Trong khi đó, khối THPT kết thúc lúc 19 giờ quá muộn, không duy trì được nếp sinh hoạt dưới cờ của trường, đặc biệt các môn giáo dục thể chất và quốc phòng gặp nhiều khó khăn do không sắp xếp được thời gian học hợp lý…

''7 giờ tối tan học, về nhà cách tới 15 km đã là 8 giờ tối, đảo lộn sinh hoạt của các em, cần xem xét, tính toán khung giờ này'' - Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Sở GD-ĐT Hà Nội

Ông Nhật cho rằng, giờ học quá muộn làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý, giảm chất lượng của học sinh. Đặc thù của Hà Nội là điểm tràn, học sinh THPT nếu không đậu nguyện vọng 1 có thể phải học xa nhà rất nhiều, như nhà ở Long Biên nhưng phải về Trương Định học. 7 giờ tối tan học, về nhà cách tới 15 km đã là 8 giờ tối, đảo lộn sinh hoạt của các em, cần xem xét, tính toán khung giờ này. Một số trường ngoại thành tại Thanh Trì, Từ Liêm học sinh phải đi xe đạp về cũng mất an ninh do đi qua nhiều đoạn đường tối. Bên cạnh đó, khối giáo viên cũng khó khăn do đại đa số đang trong độ tuổi nuôi con, phải tính toán phương án gửi con để dạy đến 7 giờ tối…

Dù các trường bị phát sinh thêm nhiều chi phí như giờ chiếu sáng, chi phí thêm giờ của giáo viên… nhưng ông Nhật khẳng định, các trường không được phép thu thêm bất kỳ khoản nào của học sinh. Một số trường dân lập thu thêm 5.000 đồng tiền quản lý với mỗi học sinh, nhưng Sở đã chấn chỉnh không cho phép. Được biết, thứ sáu tuần này (10.2), Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ mời tất cả các trường trong địa bàn đánh giá trọn vẹn tác động việc đổi giờ, báo cáo lên TP.

Khẳng định đường sá đã thông thoáng hơn, nhưng đại diện Công an Q.Ba Đình cho rằng, đây không phải là kết quả của việc đổi giờ mà nhiều giải pháp giao thông đã được thực hiện từ trước tết. Ông này cho rằng, ùn tắc mới phát sinh tại một số khu vực do phụ huynh học sinh tập trung đón ở các trường liền kề quá đông.

Chưa thể đánh giá hết tác động

Trao đổi với báo chí chiều 6.2 tại Bộ GTVT, trước hàng loạt câu hỏi về tác động của việc đổi giờ cũng như việc ùn tắc vẫn tồn tại, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho rằng, một tuần thực hiện đổi giờ làm của Hà Nội chưa thể đánh giá hết được những tác động của nó. Ông Hùng cũng cho biết, thứ sáu tuần này, Bộ GTVT sẽ có buổi làm việc với Hà Nội về nhiều nội dung trong đó có việc đổi giờ học, giờ làm. Cuộc họp sẽ cùng bàn để duy trì thí điểm hay điều chỉnh sau khi có những phân tích cụ thể.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.