Bộ TN-MT đang tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng về ĐTM của Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường 2 đầu cầu (thuộc địa bàn TP.Hà Nội). Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.
Báo cáo ĐTM thể hiện, điểm đầu của dự án tại Km3+505 - đường Kỳ Vũ (là điểm cuối dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến QL32). Điểm cuối tại Km8+900, giao cắt QL23B tại xã Đại Mạch (H.Đông Anh, Hà Nội).
Tốc độ thiết kế của tuyến đường khoảng 80 km/giờ, đảm bảo thông suốt toàn tuyến đường Vành đai 3,5 từ phía nam lên phía bắc sông Hồng. Cây cầu được thiết kế tại vị trí này nhằm giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3, QL32.
ĐTM khẳng định hạng mục công trình và hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường. Do đó, chủ đầu tư sẽ bố trí rào chắn, đèn chiếu sáng, đèn xoay cảnh báo, chỉ dẫn giao thông 24/24 tại vị trí phân luồng giao thông qua các nút giao, đường giao dân sinh.
Trước khi thi công, chủ dự án sẽ làm việc với các cơ quan quản lý về đường bộ, đường thủy, đường sắt để thống nhất thời gian, vị trí, phương án thi công tại các điểm giao cắt.
Ngoài việc tuân thủ các quy trình về an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ trong quá trình thi công, chủ đầu tư khẳng định đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trong quá trình thi công cả ngày và đêm.
Về thời gian thực hiện dự án, theo chủ đầu tư, dự kiến Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường 2 đầu cầu được khởi công vào quý 4/2024 và vận hành năm 2028 sau 4 năm thi công.
Dự án cầu Thượng Cát có tổng mức đầu tư gần 8.300 tỉ đồng, kinh phí từ ngân sách TP.Hà Nội. Cầu Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội, được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2030.
9 cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (thuộc Vành đai 4), Thăng Long mới (thuộc Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu - hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc). Trong đó, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) đã chính thức thông xe hồi tháng 8.2023.
Liên quan đến cầu Thượng Cát, hồi tháng 1 vừa qua, UBND TP.Hà Nội đã trao giải nhất cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát phương án mang tên Cánh chim hòa bình.
Tuy nhiên, sau đó xảy ra lùm xùm về việc phương án kiến trúc đoạt giải nhất công trình cầu Thượng Cát mang tên Cánh chim hòa bình có sự tương đồng với bản thiết kế cầu Thạch Hãn 1 (tỉnh Quảng Trị).
Nêu quan điểm về lùm xùm này, Phó giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết kiểm tra thể hiện 2 cầu này có sự khác biệt về bản chất chứ không phải giống nhau. Tuy nhiên, TP.Hà Nội vẫn giao cơ quan chức năng nghiên cứu phương án hình thái ngôn ngữ kiến trúc mới để "tránh việc dư luận cho rằng có 2 cầu giống nhau".
Bình luận (0)