Hà Nội được đặc thù đến mức nào?

29/05/2024 05:59 GMT+7

Chiều 28.5, tiếp tục kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo luật Thủ đô sửa đổi. Câu chuyện được bàn chủ yếu vẫn là Hà Nội cần được trao quyền đến đâu, đặc thù đến mức nào để vừa vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực cho thủ đô phát triển song vẫn đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

HẠN CHẾ TỐI ĐA DỰ ÁN PHẢI CHUYỂN ĐỔI ĐẤT RỪNG

Dự thảo luật lần này tiếp tục đề xuất cho phép HĐND TP.Hà Nội quyết định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, đất trồng lúa từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng đề xuất trao quyền để HĐND TP.Hà Nội quyết định dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) không giới hạn tổng mức vốn đầu tư. TP.Hà Nội cũng được quyết định các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất đến 1.000 ha, trồng lúa đến 500 ha sang mục đích khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị cần hết sức cân nhắc với quy định cho phép TP.Hà Nội được quyết định các dự án đầu tư có chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng và trên 500 ha đất lúa, di dân tái định cư trên 50.000 người.

Hà Nội được đặc thù đến mức nào?- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Gia Hân

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng chỉ nên quy định thẩm quyền của TP.Hà Nội quyết định các dự án chuyển đổi dưới 1.000 ha rừng và dưới 500 ha đất lúa. Trên mức này thì cần xin cấp có thẩm quyền. "Tôi nghĩ thế phù hợp hơn. Mặc dù, có cơ chế đặc thù nhưng không thể đặc thù cao hơn như thế được", ông Hòa nhấn mạnh.

Tương tự, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ VN Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cho biết tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội chỉ đạt 5,59%, thuộc nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ che phủ rừng thấp trong cả nước. Từ đó, ĐB cho rằng Hà Nội cần đặt trọng tâm vào việc giữ gìn hơn nữa diện tích đất trồng rừng, hạn chế tối đa dự án có yêu cầu chuyển đổi diện tích đất rừng sản xuất; đồng thời có giải pháp tăng thêm diện tích cây xanh trong trung tâm đô thị thành phố.

ĐB Nguyễn Hải Anh cũng kiến nghị trong trường hợp đặc biệt, cần thiết phải chuyển đổi diện tích rừng sản xuất thì phải quy định chặt chẽ hơn, bổ sung cơ chế lấy ý kiến nhân dân. Cùng đó, ông đề nghị dự thảo luật Thủ đô phải quy định diện tích tối đa được chuyển đổi thay vì quy định diện tích tối thiểu là từ 1.000 ha trở lên với đất rừng và 500 ha với đất lúa.

 Băn khoăn mô hình chính quyền đô thị

"Cùng đặc điểm đô thị, không thể có nhiều mô hình tổ chức chính quyền đô thị, ở Hà Nội 2 cấp chính quyền, trong khi ở Đà Nẵng và TP.HCM là 1 cấp chính quyền (không tổ chức HĐND cấp quận và phường)", ĐB đoàn Quảng Trị nêu và đề nghị xem lại mô hình tổ chức đảm bảo thống nhất.

Trong khi đó, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị của thủ đô Hà Nội trong dự luật. Theo ông, TP.HCM và Đà Nẵng đều đã tổ chức mô hình chính quyền đô thị 1 cấp chính quyền và cũng rất hiệu quả vì phù hợp với đặc điểm của đô thị. Trong khi đó, Hà Nội mới đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường (vẫn giữ HĐND cấp quận).

Ngoài ra, về biên chế, Quốc hội (QH) đã có Nghị quyết 98 phân cấp giao cho TP.HCM được quyền quyết định cơ cấu và số lượng cán bộ công chức làm việc ở xã, phường, thị trấn. "Tinh thần, chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền thủ đô. Do đó, QH nên đẩy mạnh việc phân cấp về quản lý biên chế, giao cho TP.Hà Nội được quyền quyết định biên chế cán bộ công chức, viên chức", ĐB Đồng nêu.

Ông cũng phân vân khi dự thảo luật mới chỉ tập trung vào phân cấp, ủy quyền của nội bộ chính quyền thủ đô mà chưa đề cập phân cấp, ủy quyền của Chính phủ với chính quyền thủ đô. Đề xuất cần tập trung hơn phân cấp của Chính phủ cho Hà Nội, ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh điều này sẽ giúp chính quyền thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nói việc vừa đảm bảo tính đặc thù, vượt trội, lại vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ là "hơi khó" vì đã thống nhất rồi thì không đặc thù được, đã đặc thù thì không thống nhất được. Dù vậy, ông yêu cầu dự thảo luật cần có sự kết hợp, đặc thù trong sự thống nhất.

Có nên xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi nổi sông Hồng?

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị ban soạn thảo và TP.Hà Nội "cân nhắc" quy định cho phép TP.Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. "Tôi thấy thủ đô Hà Nội không nhất thiết phải sử dụng bãi sông, bãi nổi sông Hồng để xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa... Nó sẽ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân rất lớn", ĐB Phạm Văn Hòa nói.

Ngược lại, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) nhìn nhận bãi bồi, bãi nổi hai bên bờ sông Hồng là vùng đất hầu như chưa được sử dụng. Nếu đưa vào được có thể là nơi sống, làm việc cho hàng triệu người. Tuy vậy, chia sẻ với ý kiến của ĐB Phạm Văn Hòa, ông Nguyễn Anh Trí lưu ý ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện nội dung này.

Tòa thu thập chứng cứ sẽ "sinh ra một vụ án kỳ cục"

Sáng 28.5, QH thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi. TAND tối cao đề xuất đổi mới mô hình tòa án theo thẩm quyền xét xử, thay vì theo địa giới hành chính, trong đó đổi tên TAND tỉnh thành TAND phúc thẩm và TAND huyện thành TAND sơ thẩm. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ, nhiều ĐB không tán thành đề xuất này vì cho rằng việc đổi tên các tòa án chưa thực sự cần thiết.

Hà Nội được đặc thù đến mức nào?- Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình về dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi

Gia Hân

Giải trình về nội dung trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay việc đổi mới, tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử đã có truyền thống, có nghị quyết của Đảng và quy định trong hệ thống pháp luật. Hiến pháp quy định có 2 cấp xét xử và ngay trong dự án luật này cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, nhiệm vụ cấp phúc thẩm chứ không nói tòa huyện, tòa tỉnh.

Việc đổi mới tòa án, theo ông Bình, còn là xu thế quốc tế. "QH bỏ phiếu thế nào chúng tôi chấp hành, có thể vẫn giữ nguyên, có thể đổi mới. Nhưng có một điều chắc chắn đây là xu thế, hôm nay chúng ta không làm thì con cháu chúng ta cũng sẽ làm", ông Bình nói.

Một nội dung khác trong dự thảo nhận được nhiều sự quan tâm là việc có nên bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án. Một số ý kiến ủng hộ việc bãi bỏ vì sẽ giúp hội đồng xét xử độc lập, khách quan hơn; nhưng cũng có ĐB lo ngại nếu bãi bỏ sẽ khó khăn cho người yếu thế.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tiếp thu ý kiến của các ĐB từ kỳ họp trước, dự thảo quy định tòa án sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các bên thu thập chứng cứ; còn đối tượng hỗ trợ như thế nào sau này sẽ có hướng dẫn. Nhắc lại ý kiến của một ĐB khi cho rằng "80% vụ án không có luật sư tham gia, tòa phải có trách nhiệm đi thu thập chứng cứ cho người dân", ông Bình nói không nước nào quy định như chúng ta cả.

Theo Chánh án tòa tối cao, người đi kiện phải có chứng cứ để đảm bảo mình thắng thì mới đi kiện, chứ không phải chỉ mang đơn đến tòa. Tòa án phục vụ nhân dân, nhưng là đảm bảo công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ đúng pháp luật, chứ không phải việc đi thu thập chứng cứ. "Nguyên đơn là nhân dân, bị đơn cũng là nhân dân. Một vụ án nguyên đơn đi kiện, mang đơn đến tòa, tòa phục vụ nhân dân nguyên đơn bằng cách vào các cơ quan thu thập chứng cứ, sau đó lại đi phục vụ nhân dân bị đơn thu thập chứng cứ, nó sinh ra một vụ án kỳ cục là 2 bên kiện nhau, còn tòa án đi thu thập chứng cứ và xử theo tài liệu của mình, đây là loại án không có một nước nào làm", ông Bình nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.