Theo Sở Y tế Hà Nội, hôm nay thành phố ghi nhận 1.765 ca bệnh, trong đó số ca cộng đồng ở mức rất cao với 733 ca, khu cách ly có 984 ca và khu phong toả 48 ca.
Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm thuốc điều trị Covid-19 |
đậu tiến đạt |
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Q.Hoàng Mai 199 ca; Q.Hà Đông 172 ca; Q.Đống Đa 154 ca; H.Đông Anh 115 ca; Q.Ba Đình 106 ca; Q.Hai Bà Trưng 105 ca; Q.Bắc Từ Liêm 94 ca; H.Thanh Trì 73 ca; Q.Thanh Xuân, Q.Long Biên đều 64 ca.
Bệnh nhân phân bố tại 325 xã phường thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 733 ca cộng đồng ghi nhận tại 232 xã phường thuộc 29/30 quận huyện. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Q.Đống Đa 92 ca; Q.Hà Đông 74 ca; Q.Hai Bà Trưng 62 ca; Q.Ba Đình 61 ca; Q.Hoàng Mai 60 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4 đến nay) là 33.809 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 12.372 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 21.437 ca.
Ngày 23.12: Cả nước 16.377 ca Covid-19, 10.944 ca khỏi | Hà Nội 1.774 ca | TP.HCM 787 ca |
Thông tin với báo chí chiều nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay toàn thành phố đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 30.000 bệnh nhân mắc SARS-CoV-2, trong đó xấp xỉ 50% đã khỏi. Hiện còn hơn 15.700 người đang được bố trí ở các tầng điều trị, trong đó chủ yếu ở tầng 1 với 5.900 người đang điều trị tại nhà và hơn 8.000 người đang được điều trị tại trạm y tế lưu động và các cơ sở thu dung.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Số ca F0 mới phát sinh bình quân mỗi ngày tăng cao. Tổng số ca mắc từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay lên hơn 33.000 ca, trong đó hơn 1/3 là ca mắc ngoài cộng đồng.
Không để "người dân gọi không ai trả lời"
Ông Dũng cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã vào cuộc tiếp tục rà soát về năng lực, điều kiện y tế của từng phường, xã, thị trấn, từng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Tiếp tục triển khai phương án bố trí trạm y tế lưu động, sẵn sàng đáp ứng khi số ca F0 tiếp tục tăng.
Đặc biệt, các địa phương có phương án bố trí trạm y tế lưu động phải gắn với cơ sở vật chất và nhân lực cụ thể; nắm chắc thông tin người bệnh trên địa bàn; có phương án duy trì liên lạc để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chăm sóc, tránh để người dân gọi mà không ai trả lời.
Bí thư Hà Nội đặc biệt lưu ý khâu nắm bắt, theo dõi thông tin người bệnh, quan trọng nhất là phải kịp thời phát hiện nguy cơ chuyển biến nặng để chuyển tầng điều trị phù hợp cho người dân.
UBND thành phố chỉ đạo lo đủ cơ số thuốc để cung cấp cho người bệnh, chăm sóc người bệnh ngay từ tuyến cơ sở, giảm tối đa số lượng bệnh nhân tăng nặng phải chuyển tầng điều trị. Đồng thời có văn bản kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc điều trị kháng vi rút SASR-CoV-2 cho thành phố. Hiện nay, số lượng thuốc điều trị Bộ Y tế cung cấp cho Hà Nội chỉ đáp ứng được một phần và trong thời gian ngắn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kêu gọi người dân khi phát hiện là F0 cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin, trước hết cần tìm hiểu tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người mắc Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Khi cần hỗ trợ hoặc phản ánh thắc mắc, người dân có thể liên lạc với UBND phường, xã, thị trấn, các trạm y tế trên địa bàn hoặc đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế hoặc Sở TT-TT.
Bình luận (0)