Hà Nội hướng dẫn ra sao về dạy học tích hợp?

08/09/2023 17:43 GMT+7

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu việc dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 cấp THCS của Sở GD-ĐT Hà Nội, mỗi môn học tích hợp ở cấp THCS có những yêu cầu phù hợp đặc thù. 

Hà Nội hướng dẫn ra sao về dạy học tích hợp?   - Ảnh 1.

Giáo viên Hà Nội thảo luận để tìm phương án dạy các môn tích hợp

GDBĐ

Đối với môn khoa học tự nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu phân công giáo viên dạy theo các mạch nội dung của chương trình môn học, bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. 

Xây dựng phân phối chương trình, trong đó bố trí thời gian, địa điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kỳ phù hợp với việc phân công giáo viên, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và khả năng của giáo viên.

Đối với môn lịch sử và địa lý, căn cứ tình hình giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Phòng GD-ĐT và các nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn lịch sử và địa lý, mỗi phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kỳ. Đối với các chủ đề chung, hiệu trưởng phân công giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp để dạy học chủ đề chung.

Đối với môn lịch sử, cần tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học lịch sử.

Môn nghệ thuật gồm 2 nội dung âm nhạc và mỹ thuật, cần lưu ý phân công bố trí dạy học đồng thời các nội dung bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kỳ. Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với điều kiện của nhà trường và kế hoạch giáo dục của giáo viên.

Sở GD-ĐT cũng khuyến khích triển khai thí điểm dạy tiếng Anh tích hợp trong các môn học khác, như toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh tại các trường THCS có đủ điều kiện.

Như Thanh Niên đã phản ánh, sau hàng loạt lo lắng, bức xúc về dạy học tích hợp của giáo viên và lãnh đạo các cơ sở giáo dục ở cấp THCS sau 2 năm triển khai thực hiện, trong cuộc gặp gỡ giáo viên giữa tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận dạy tích hợp là một trong những khó khăn, điểm nghẽn, điểm vướng khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Sơn cho biết, "khả năng cao trong thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra điều chỉnh với việc dạy tích hợp ở bậc THCS"; nếu như vậy thì đây sẽ là thay đổi lớn giữa kỳ của tiến trình đổi mới.

Đến thời điểm khai giảng năm học, Bộ GD-ĐT cũng chưa có phương án cụ thể cho các môn tích hợp trong năm học này, các nhà giáo và cơ sở giáo dục mong Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn để các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp từ đầu năm học.

Có ý kiến cho rằng, nếu quay về dạy đơn môn như cũ sẽ ảnh hưởng tới tổng thể chương trình mới. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến của người trực tiếp thực hiện chương trình cho rằng nếu tiếp tục thì gây khó khăn, mệt mỏi cho cả thầy và trò. 

Đích cuối cùng là hiệu quả của dạy tích hợp sẽ không thực hiện được nếu vẫn sử dụng đội ngũ giáo viên được đào tạo đơn môn dạy tích hợp theo cách như hiện nay. Trong khi đó, nếu chờ có đủ giáo viên được đào tạo bài bản về tích hợp thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được, với tốc độ và chỉ tiêu quá ít ỏi của các trường sư phạm như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.