Hôm 26.7, UBND TP Hà Nội chính thức ban hành hướng dẫn thu nộp, quản lý phí đường bộ đối với xe máy trên địa bàn thành phố.
Đây là văn bản đang được các xã, phường chờ đợi để triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy theo đúng quy định, thống nhất, hiệu quả.
Theo đó, UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) thực hiện việc phát, kê khai, thu Tờ khai nộp phí của chủ phương tiện. Tờ khai chỉ áp dụng đối với chủ phương tiện thực hiện khai lần đầu và khai bổ sung khi có phát sinh tăng, giảm phương tiện.
|
UBND cấp xã cũng là đơn vị thực hiện lập sổ quản lý phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn theo mẫu sổ kèm theo công văn này làm cơ sở quản lý thu, nộp phí trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Tổ dân phố (hoặc thôn) thực hiện thu phí theo chỉ đạo của UBND cấp xã.
Khi thực hiện thu phí cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí theo quy định.
Về việc sử dụng biên lai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, UBND cấp xã lập dự trù số lượng biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô năm 2013 trên cơ sở số đầu phương tiện của các hộ gia đình đã nộp tờ khai phí sử dụng đường bộ trên địa bàn các tổ dân phố, thôn, xóm để gửi Chi cục thuế trước ngày 30/07/2013.
UBND xã mua Biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô tại Chi cục thuế. Căn cứ hoá đơn bán ấn chỉ của cơ quan thuế, kế toán của UBND xã, phường, thị trấn lập các loại chứng từ, sổ sách gồm: phiếu nhập ấn chỉ và sổ theo dõi nhập, xuất, tồn kho ấn chỉ.
Theo quy định này, căn cứ số đầu phương tiện của các hộ gia đình đã nộp tờ khai phí sử dụng đường bộ trên địa bàn các tổ dân phố, thôn, xóm. Kế toán của UBND cấp xã phát biên lai cho người được giao nhiệm vụ trực tiếp thu (hoặc tổ dân phố, thôn) và có trách nhiệm quản lý chặt chẽ các biên lai.
Quản lý và sử dụng phí thu
Theo hướng dẫn của UBND Thành phố, việc quản lý, sử dụng nguồn thu phí đường bộ được để lại phải thực hiện theo đúng quy định Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo đó, chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô: Mức chi tối đa không quá 70% số tiền phí được để lại.
Căn cứ vào khối lượng công việc, UBND cấp xã quy định mức chi bồi dưỡng cho cá nhân trực tiếp thực hiện thu phí sử dụng đường bộ, đảm bảo công bằng công khai, minh bạch và đúng quy định.
Số tiền còn lại cơ quan thu phí (UBND cấp xã) thu phí nộp vào ngân sách địa phương theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính hướng và Nghị định của Chính phủ nếu thành phố Hà Nội chưa lập Quỹ bảo trì đường bộ địa phương.
Trường hợp khi TP Hà Nội thành lập Quỹ bảo trì đường bộ địa phương, thành phố Giao Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND Thành phố để thông báo cho UBND cấp xã thực hiện
Theo đó UBND cấp xã phải nộp hàng tuần tiền thu được vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước. Hàng tháng, đơn vị thu phí lập Tờ khai nộp phí sử dụng đường bộ thu được theo mẫu.
Hàng năm, Sở giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra việc thực hiện thu phí theo quy định.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
>> Khó khăn khi thu phí đường bộ xe máy
>> Kiên Giang: Thu phí đường bộ xe mô tô
>> Hậu Giang thu phí đường bộ mô tô
>> Hà Nội thu phí đường bộ xe máy từ 1.8
>> Điều chỉnh mức thu phí đường bộ tại 3 trạm cửa ngõ TP.HCM
>> Kiến nghị tăng mức thu phí đường bộ tại TP.HCM
Bình luận (0)