Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, gỡ điểm nghẽn tuyển dụng giáo viên

14/08/2024 18:53 GMT+7

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của GD-ĐT Hà Nội trong năm học tới là tiếp tục khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, khắc phục một số điểm nghẽn trong tuyển dụng giáo viên.

Tăng 39 trường học trong 1 năm

Hôm nay 14.8, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới. Tại đây, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: đến thời điểm này, TP.Hà Nội có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp (tăng 39 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước), có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố gần 80%; thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao. Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn.

Dù vậy, số học sinh của Hà Nội cũng tăng nhanh theo từng năm, cụ thể năm nay đã tăng 68.917 học sinh so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng số học sinh lên gần 2,3 triệu em, chiếm khoảng 1/10 học sinh cả nước.

Do vậy, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ ra rằng việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số; tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học còn chậm. Một số quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, số học sinh cao như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa...

Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành vẫn nhiều chênh lệch. Một số đơn vị còn thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đội ngũ cán bộ nhân viên kế toán, y tế, giáo viên âm nhạc, tin học vẫn thiếu nhiều...

Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, gỡ điểm nghẽn tuyển dụng giáo viên- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao tặng cờ thi đua xuất sắc của UBND TP.Hà Nội cho Sở GD-ĐT Hà Nội

VÂN ANH

Nói về một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới, ông Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GD-ĐT, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thành phố đề xuất xây dựng phương án, giải pháp và giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học, nhất là các quận trung tâm.

Ngoài ra, trong năm học mới, thành phố tăng cường chất lượng công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ưu tiên đầu tư phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; rà soát, bổ sung các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, giai đoạn 2025 - 2030, thành phố có kế hoạch xây mới thêm 30 - 35 trường THPT công lập. Các quận, huyện đã dành quỹ đất để xây dựng trường, Q.Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 3 trường THPT công lập; các quận huyện Hoàng Mai, Đông Anh… cũng sẽ xây thêm trường.

Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, gỡ điểm nghẽn tuyển dụng giáo viên- Ảnh 2.

Để lan tỏa mô hình “tiếng trống học bài” và nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng thủ đô, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp Trường THCS-THPT Marie Curie Hà Nội trao tặng 70 chiếc trống đến các trường học, các nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng ở các vùng khó khăn trên địa bàn

T.M

Cần gỡ "điểm nghẽn" về giáo viên

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh năm học vừa qua ngành GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục hoạt động hiệu quả, đã chấm dứt tình trạng phụ huynh phải xếp hàng nộp hồ sơ vào các trường.

Ông Thưởng chia sẻ những ấn tượng tích cực khác của giáo dục Hà Nội khi địa phương này dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học, đạt tỷ lệ tới 97,6% trong khi Bộ GD-ĐT chỉ đặt mục tiêu mỗi địa phương thí điểm khoảng 50%.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đánh giá ngành GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, mô hình sẻ chia với những đồng nghiệp giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thủ đô và cả nước với nhiều nghĩa cử cao đẹp như hỗ trợ giáo viên dạy các môn tiếng Anh, tin học, nâng chất lượng giáo dục... cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Năm học 2024 - 2025 là năm học quan trọng thực hiện đồng bộ và khép kín chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị ngành GD-ĐT Hà Nội tiếp tục quan tâm một số nội dung như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, công tác chỉ đạo, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Ông Thưởng cũng đề nghị Hà Nội cần giải quyết một số vấn đề còn là "điểm nghẽn" như tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn còn thấp. Tình trạng thiếu giáo viên có thể xảy ra trong thời gian tới. "Hà Nội hiện còn tới hơn 8.000 chỉ tiêu biên chế chưa được sử dụng, lớn nhất cả nước. Điều này sẽ gây khó khăn cho Bộ GD-ĐT khi kiến nghị Bộ Nội vụ tiếp tục giao biên chế cho ngành", ông Thưởng nêu.

Hà Nội khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, gỡ điểm nghẽn tuyển dụng giáo viên- Ảnh 3.

Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và Bộ GD-ĐT trao tặng bằng khen và chúc mừng học sinh đoạt giải quốc tế trong năm học vừa qua

VÂN ANH

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề nghị ngành GD-ĐT Hà Nội tích cực, chủ động tham mưu về cơ chế chính sách trong lĩnh vực GD-ĐT theo hướng bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng kế hoạch triển khai thi hành luật Thủ đô, nhất là những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển giáo dục và đào tạo nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phục vụ sự nghiệp phát triển GD-ĐT thủ đô; tháo gỡ những bất cập về trường lớp và đội ngũ hiện nay.

Học sinh Hà Nội đạt nhiều kết quả ấn tượng qua các kỳ thi lớn

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11).

Hà Nội là địa phương có nhiều điểm 10 thi tốt nghiệp THPT nhất cả nước với 915 điểm 10. Trong tổng số 200 thí sinh có tổng điểm thi cao nhất của cả nước, Hà Nội có 33 thí sinh, đặc biệt, 1 thí sinh Hà Nội có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước: 57,85 điểm; có 194/269 trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, tăng 54% so với năm 2023.

Học sinh Hà Nội đứng đầu cả nước với 184 em đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cao hơn năm 2023: 43 học sinh đoạt giải tại kỳ thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia; học sinh Hà Nội đoạt 2 huy chương vàng tại Olympic quốc tế môn sinh học, hóa học năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.