Hà Nội khép kín 3 'siêu dự án' đường trên cao

20/05/2021 06:21 GMT+7

Hà Nội đang đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới đường trên cao xuyên tâm và liên tỉnh.

Với việc cơ bản khép kín vành đai 3 trên cao, đẩy nhanh tiến độ vành đai 2 trên cao và khởi động dự án vành đai 4 trên cao, Hà Nội đang đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới đường trên cao xuyên tâm và liên tỉnh.

Giảm sức ép cho các khu vực trung tâm TP

Cuối năm 2020, 5 km đường trên cao từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long (Hà Nội) được Bộ GTVT hoàn thiện, cùng với việc sửa chữa xong cầu Thăng Long vào đầu tháng 1 vừa qua giúp Hà Nội cơ bản khép kín đường trên cao vành đai 3 (kéo dài từ cầu Thăng Long, liên thông với đoạn cầu cạn Mai Dịch - bắc hồ Linh Đàm dài hơn 10 km).
Dù vậy, tuyến đường này vẫn thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng do quá tải 2,5 lần, đặc biệt đoạn tuyến qua cầu Thanh Trì. Để giải bài toán ùn tắc cho vành đai 3, Hà Nội cần xây dựng cả tuyến vành đai 3, 5 và vành đai 4, đặc biệt là đường trên cao.
Một dự án đường trên cao xuyên tâm có chức năng giảm nhiệt ùn tắc cho các “điểm nóng” Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Trường Chinh cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự án đường vành đai 2 trên cao kéo dài đến Cầu Giấy được Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nghiên cứu với quy mô tương tự đoạn trên cao từ Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở (đoạn qua đường Trường Chinh).
Trước đó, dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở xây dựng theo hình thức BT, đã được nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup khởi công vào tháng 4.2018. Tới tháng 11.2020, đoạn trên cao từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng, dọc đường Trường Chinh chính thức đưa vào khai thác, đoạn tuyến còn lại dự kiến hoàn thành quý 2/2022. Là tuyến đường nội đô xuyên tâm với các trục chính quan trọng, việc khép kín đường trên cao vành đai 2 từ Cầu Giấy đến cầu Vĩnh Tuy sẽ giảm sức ép đáng kể cho các khu vực trung tâm của TP.

Tháo nút thắt vành đai 4

Từ khoảng 10 năm trước, Bộ GTVT đã nghiên cứu tính toán phương án đầu tư tuyến đường mới chạy song hành, đi xuyên qua nhiều tỉnh, thành từ Hà Nội qua Hưng Yên sang tới Bắc Ninh (đường vành đai 4). Tuy nhiên, dự án vành đai 4 lại rất “lận đận” khi 10 năm án binh bất động.
Cuối tháng 8.2020, Thủ tướng ban hành văn bản giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội. Dự án chính thức được “hồi sinh” khi đầu tháng 5.2021, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã ký tờ trình kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư.
Theo quy hoạch, tuyến vành đai 4 dài khoảng 98 km, riêng địa phận Hà Nội dài 56,5 km, Hưng Yên dài 20,3 km, Bắc Ninh 21,2 km; 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi nhưng có vị trí tiếp giáp điểm đầu và điểm cuối tuyến.
Dự kiến, nếu thực hiện đầu tư dự án theo phương án tuyến đi bằng, kinh phí xây dựng cần khoảng 105.000 tỉ đồng. Trường hợp làm cao tốc đi trên đường trên cao toàn tuyến, kinh phí khoảng 135.000 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng ước 25.000 tỉ đồng. Theo tờ trình, dự án cần được nghiên cứu đầu tư theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và theo hình thức PPP. Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.