Hà Nội kiến nghị Chính phủ cơ chế ‘cứu’ xe buýt

25/11/2020 19:28 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xe buýt đang bị nợ tiền trợ giá.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, một số ít lĩnh vực do nhiều nguyên nhân chưa hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 31.12.2019, để thực hiện việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ ngày 1.1.2020. Các lĩnh vực này gồm vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, duy tu, duy trì lĩnh vực vệ sinh môi trường, thoát nước, cây xanh, cung ứng dịch vụ thuỷ lợi...
Vì thế, khối lượng thực hiện của các đơn vị hoạt động công ích trong khoảng thời gian nêu trên chưa đủ điều kiện để tạm ứng, thanh toán và quyết toán. Điều này dẫn đến khó khăn cho đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước về nguồn vốn hoạt động và chi trả lương cho người lao động.
Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép UBND TP.Hà Nội thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đối với phần khối lượng đã thực hiện, thay vì phải đấu thầu theo quy định mới. Mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020 làm cơ sở để thanh toán và quyết toán kinh phí.
Như Thanh Niên đã đưa tin, Sở GTVT Hà Nội đã có tờ trình báo cáo UBND TP.Hà Nội đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xe buýt. Theo đó, Sở này đề xuất thanh quyết toán kinh phí quý 1/2020 cho 68 tuyến buýt với tổng số tiền gần 321 tỉ đồng, nguồn kinh phí thực hiện từ vốn sự nghiệp kinh tế năm 2020.
Trước đó, theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, thay vì cơ chế trợ giá theo đặt hàng, từ tháng 6.2019 thì 104 tuyến buýt có trợ giá của TP.Hà Nội phải chuyển sang cơ chế đấu thầu. Trong năm 2019, đã có 36 tuyến hoàn thành đấu thầu, 68 tuyến khác đến hết quý 1/2020 mới đấu thầu xong.
Vì thế, toàn bộ kinh phí hoạt động 68 tuyến buýt chưa đấu thầu trong 3 tháng đầu năm 2020 (theo ước tính của Sở GTVT Hà Nội là 312 tỉ đồng) hiện vẫn chưa được thanh toán. Nhiều doanh nghiệp cho biết có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá do thu không đủ bù chi, trong khi chậm được thanh toán kinh phí trợ giá. Đơn cử như Công ty CP ô tô vận tải Hà Tây cho biết có thể phải tạm dừng hoạt động tuyến buýt trợ giá số 72 (bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.