Rạng sáng 27.7, chất lượng không khí ở Hà Nội giảm khi trời nhiều mây, lặng gió, liên tục duy trì ở ngưỡng kém, xấu, rất xấu, thậm chí có lúc chạm ngưỡng nguy hại. Đến sáng 28.7, ô nhiễm không khí ở Hà Nội duy trì ở mức xấu (ngưỡng hiển thị màu đỏ), gây ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người.
Trong ngày 28.7, Tổ chức Đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) áp dụng cách tính AQI của Mỹ xếp hạng Hà Nội đứng thứ 3 trong những TP ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Còn theo hệ thống PAM Air, lúc 7 giờ ngày 28.7, gần 100 điểm đo chất lượng không khí tại Hà Nội đều báo mức xấu và rất xấu (ngưỡng hiển thị màu tím). Trong đó, điểm đo tại Ô Chợ Dừa (Q.Đống Đa) cho kết quả chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại, chỉ số AQI là 318. Bảng hiển thị chất lượng không khí khu vực Hà Nội của PAM Air cả ngày duy trì đa số các điểm là màu đỏ và tím.
Áp dụng cách tính AQI của Việt Nam, Cổng thông tin quan trắc chất lượng môi trường của UBND TP.Hà Nội thông báo kết quả đa số điểm quan trắc chất lượng không khí ở ngưỡng màu đỏ, tím suốt cả ngày 28.7. Trong khi đó, điểm quan trắc chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đặt tại Q.Long Biên (Hà Nội) áp dụng cách tính AQI của Việt Nam cho kết quả chất lượng không khí ở ngưỡng trung bình và kém.
Theo cả PAM Air và Air Visual, chất lượng không khí ở khu vực các tỉnh phía bắc phổ biến ở ngưỡng kém, xấu và rất xấu. Chỉ trong khoảng giữa trưa 28.7, trời có nắng, gió nhẹ đã giúp cải thiện chất lượng không khí, nhưng đến cuối giờ chiều thì tình trạng ô nhiễm không khí lại tiếp tục. Theo Bộ TN-MT, ô nhiễm không khí ở Hà Nội là do hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất, đốt than tổ ong, đốt rác... Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ TN-MT, người dân nên hạn chế ra đường khi chất lượng không khí ở ngưỡng xấu trở lên; vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý thường xuyên; hạn chế hút thuốc lá; hạn chế mở cửa nhà và hạn chế sử dụng bếp than tổ ong... Người có bệnh hô hấp, bệnh tim phổi mãn tính, người già... cần thực hiện các biện pháp này nghiêm ngặt hơn.
Bình luận (0)