Dẫn nước qua đê Âu Cơ
Nêu giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, sở đã phối hợp với các cơ quan khảo sát vị trí hệ thống bơm nước sông Hồng vào hồ Tây để cải thiện môi trường sông Tô Lịch. Đồng thời làm việc với Cục Đê điều (Bộ NN-PTNT) để tìm giải pháp kỹ thuật cũng như vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây qua đê Âu Cơ.
Trước đó, Ban Nông nghiệp TP.Hà Nội có đưa ra giải pháp khoan kích ngầm để làm đường ống dẫn nước sông Hồng vào hồ Tây. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT không đồng ý với phương án này.
Trong khi đó, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PT-NT) đề nghị đầu tư tuyến cống hộp bê tông cốt thép đoạn cắt qua đê sông Hồng để đặt ống dẫn nước.
Theo quy hoạch, việc bổ sung nước cho sông Tô Lịch sẽ thông qua trạm bơm Liêm Mạc về trạm bơm Xuân Phương về đường Hoàng Quốc Việt sau đó mới về sông Tô Lịch. Tuy nhiên, phương án này cần giải phóng mặt bằng làm đường dẫn nước có chiều dài khoảng 8 km nên Sở Xây dựng cảm thấy không khả thi.
Vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất phương án lấy nước từ sông Hồng đi qua đoạn chưa được nâng cấp cải tạo ở đê Âu Cơ phía trên cầu Nhật Tân, sau đó đi vào ngõ 566 Lạc Long Quân và đi vào hồ Tây. Khi nước sông Hồng về đến hồ Tây sẽ bổ sung cho sông Tô Lịch qua hai cửa điều tiết A, B ở phố Trích Sài.
Cần thêm hồ chứa để làm sạch nước sông Hồng trước khi bổ cập
Để sớm "hồi sinh" sông Tô Lịch, tại buổi kiểm tra dự án xử lý nước thải Yên Xá, Chủ tịch TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì dự án khẩn cấp dẫn nước từ sông Hồng qua hồ để bổ cập nước cho sông Tô Lịch. Mục đích là tạo dòng chảy, giảm sự ô nhiễm cho sông Tô Lịch.
Để đảm bảo môi trường sinh thái cho hồ Tây, ông Thanh yêu cầu khi dẫn nước từ sông Hồng về đến hồ phải làm hai đường ống bằng thép chạy song song đi ngầm dưới lòng hồ. Một ống thép dẫn nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch, ống còn lại để sẵn sàng cấp nước cho hồ Tây khi cần thiết.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình khi thành phố triển khai dự án khẩn cấp để "hồi sinh" sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, ông Nghiêm lưu ý dự án khẩn cấp cần được đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc đối với các nghiên cứu khoa học đã được thành phố triển khai trước đây.
Đặc biệt, Hà Nội nên nghiên cứu tạo ra 1 hồ nước mới để chứa nước sông Hồng. Hồ chứa này sẽ là nơi làm sạch nước sông Hồng trước khi được bổ cập vào hồ Tây hoặc chạy thẳng ra sông Tô Lịch vì nước sông Hồng cũng "không hoàn toàn là nước sạch".
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, có hàng trăm cửa xả nước thải nằm dọc 2 bên bờ. Mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Để xử lý nước thải 2 bên bờ, Hà Nội đã phê duyệt Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng.
Dự án bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, hệ thống cống đầu nối dọc 2 bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, Q.Hà Đông (Hà Nội) và khu đô thị mới, với tổng chiều dài cống các loại khoảng 53 km. Dự án khởi công tháng 10.2016, dự kiến hoàn thành năm 2019, nhưng phải lùi tiến độ nhiều lần và mới vận hành thử nghiệm ngày 1.12 vừa qua.
Bình luận (0)