Hà Nội lo ngại nước thải sẽ xả thẳng ra môi trường

10/12/2022 06:50 GMT+7

Hôm qua (9.12), HĐND TP. Hà Nội tiến hành phiên chất vấn về những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đời sống người dân thủ đô, cụ thể là nhóm xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn TP.

Đại biểu Trịnh Xuân Quang nêu vấn đề trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát khi các khu đô thị đều đã có quy hoạch, thiết kế trạm xử lý nước thải nhưng thực tế đều thiếu hoặc đầu tư nhưng chưa đạt được hiệu quả. Đặc biệt, theo quy định nước thải phải được xử lý trước khi xả ra môi trường, nhưng hiện nước thải tại các khu đô thị vẫn đang xả thẳng ra môi trường.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết theo quy định có rất nhiều chủ thể tham gia giám sát như chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về quyết định đầu tư, cơ quan quản lý chuyên ngành... Để khắc phục tình trạng bất cập trong xử lý nước thải tại 266 dự án, trong đó có 10 dự án khu đô thị, Sở KH-ĐT đã tham mưu dự thảo một kế hoạch trình TP thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Phó giám đốc phụ trách Sở TN-MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết năm 2022 cơ quan chức năng phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, xử phạt 4 tỉ đồng. Sở TN-MT đề nghị giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và môi trường đẩy nhanh xây dựng các dự án nước thải tập trung theo quy hoạch và hệ thống thu gom nước thải đảm bảo đấu nối theo quy định. Đối với dự án tồn tại từ lâu thiếu quy hoạch xây dựng xử lý nước thải, cần khẩn trương hoàn thiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch và đầu tư các hạng mục xử lý nước thải.

Theo đánh giá của HĐND TP, hiện có 8 dự án xử lý nước thải chưa triển khai thực hiện. Tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

TP đã bố trí vốn hơn 13.500 tỉ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của TP giai đoạn 2021 - 2025 cho 39 dự án trạm xử lý nước thải và các công trình tiêu thoát nước song rất nhiều dự án triển khai chậm. Đơn cử, dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (H.Thanh Trì) có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhất và mang tính cấp bách của Hà Nội về xử lý nước thải, nhưng đã phải điều chỉnh kéo dài tới năm 2025, thay vì năm 2021 như kế hoạch ban đầu. Dự án đang triển khai 4 gói thầu, song tiến độ một số hạng mục rất chậm so với kế hoạch, chỉ đạt từ 19 - 40%.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng còn nhiều vấn đề tồn tại được cử tri nêu như kỷ cương hành chính chuyển biến chậm, chưa đạt yêu cầu; ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử thấp, chuyển đổi số còn chậm; tỷ lệ giải ngân thấp hơn mục tiêu đề ra. Các khâu đột phá cũng còn nhiều khó khăn, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thoát nước đô thị ngày càng quá tải...

Lý giải nguyên nhân chậm triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn TP, theo ông Thanh, các mốc tiến độ không đạt như báo cáo có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân “khi đăng ký thế, hăng say quyết thắng nhưng không cân nhắc kỹ về thời gian, thời điểm, có những việc nằm ngoài tầm kiểm soát nên thành thất hứa với dân”.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng thừa nhận có sự chậm trễ, buông lỏng quản lý với vấn đề xử lý nước thải, đặc biệt tại các làng nghề, trong khi đây là câu chuyện sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và con cháu sau này. Ông nhấn mạnh, quan điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân làm, chỗ nào không làm được thì nhà nước mới dùng đầu tư công, bởi nguồn lực có hạn. “Cứ mấy năm lại thay đổi luật một lần thì không nhà đầu tư nào theo được. Người ta đi vay, nhưng bảo họ “tay không bắt giặc”, họ cũng tự ái, phải tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Thanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.