(TNO) 5 năm sáp nhập về thủ đô Hà Nội, hàng trăm hộ dân ở xã Hồng Dương (H.Thanh Oai) vẫn phải đi cầu ván qua sông Nhuệ. Cây cầu xập xệ hiện là nỗi khiếp sợ của người dân khi mỗi năm xảy ra hàng chục vụ ngã xe rơi tõm xuống dòng sông
Những ngày qua, tin chị Nguyễn Thị Hiếu (30 tuổi, trú tại thôn Phương Nhị) được cho là sẩy chân khi đi cầu ván trên sông Nhuệ gây xôn xao dư luận xã Hồng Dương.
Anh Nguyễn Mạnh Trưởng - chồng nạn nhân - cho hay sự việc xảy ra khoảng 19 giờ ngày 10.8, chị Hiếu có chia sẻ bị đau đầu nên sang thôn Tân Độ (xã Phú Túc) mua thuốc. Chẳng lâu sau, gia đình nhận tin từ người trong thôn thấy xe máy đổ giữa cầu. Nghi vợ bị ngã xuống sông, họ hàng hai gia đình cùng người dân trong thôn đã rà soát, tìm kiếm suốt đêm trên khúc sông này nhưng không có kết quả.
Những ngày sau đó, gia đình anh Trưởng huy động hàng chục người đi thuyền dọc sông tìm kiếm suốt đoạn sông dài 6 km cũng không phát hiện tung tích.
Vợ chồng anh Trưởng chị Hiếu có nghề làm giò chả mang lên các chợ Hà Nội bán hằng ngày. Chưa có nhà riêng, hai vợ chồng đang ở chung nhà với bố mẹ chồng và gia đình người anh trai. Vợ chồng anh Trưởng có hai con nhỏ. Con gái đầu lòng sắp vào lớp 4, con trai út chuẩn bị lên lớp 2.
Có mặt tại gia đình anh Trưởng trưa ngày 13.8, nỗi buồn như hiện rõ trên khuôn mặt những người thân. Không thấy mẹ về, hai đứa nhỏ không màng đến chuyện ăn uống. Đêm đến 3 bố con nằm cạnh nhau chẳng thể nào chợp mắt. “Không ai nhìn thấy vợ em bị ngã xuống sông, chỉ thấy xe máy nằm đổ ở giữa cầu, hiện tại thì chưa tìm thấy người. Khả năng xấu nhất là rơi xuống sông chết đuối, chỉ thương các con còn quá nhỏ”, anh Trưởng ngậm ngùi nói.
Đưa chúng tôi ra chiếc cầu ván xập xệ bắc qua xã Hồng Dương (H.Thanh Oai) và Phú Túc (H.Phú Xuyên), ông Nguyễn Văn Vận (ở thôn Phương Nhị) cho hay cây cầu là nỗi khiếp sợ của người dân địa phương. Rất ít người dám đi xe qua đây. Ván gỗ trên mặt cầu bị xô lệch, xập xệ là nguyên nhân khiến các phương tiện đi qua bị hẫng và trượt ngã. Mặt cầu rộng khoảng 1 m, khi ngã xuống cả người, xe đều rơi tõm xuống dòng sông.
|
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bái, người dân sống cạnh cầu cho biết từ tết nguyên đán tới giờ, đã chứng kiến 3 vụ người và xe bị rơi sông. Các vụ tai nạn xảy ra ban ngày nên người dân kịp thời ứng cứu. Chỉ vào vị trí cách cầu ván 20 m, ông Bái cho biết khu vực này đã có dự án xây cầu.
Qua 2 lần khảo sát rồi chưa thấy khởi công. Cây cầu này rất thuận lợi cho người dân các xã thông thương. Nếu không đi cầu, muốn mang hàng hóa đi bán, người dân thôn Phương Nhị phải đi quãng đường xa gấp 3 lần so với đường qua cầu để đến chợ. “Khi mới sáp nhập về Thủ đô thì nghe nói có dự án xây cầu mới, người dân thấp thỏm chờ mong sẽ đổi đời rồi nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đâu. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng không thấy hồi đáp” ông Bái nói.
Cũng theo một số người dân địa phương, cầu ván này được làm từ vài chục năm nay do các hộ dân trong thôn tự đóng góp. Mặt gỗ lát cầu hiện do một người họ gia đình trong thôn đấu thầu lắp đặt kiêm việc quản lý, thu phí qua lại.
Còn nhiều tình tiết lạ
Trao đổi với Thanh Niên Online, Trưởng công an xã Hồng Dương, ông Đỗ Lương Thực, giãi bày chưa thể kết luận về vụ việc này bởi còn nhiều tình tiết lạ.
Ông Thực có xác nhận, cầu ván xảy ra nhiều vụ tai nạn nhưng trong các vụ trước đó cả người và xe đều rơi xuống dòng sông. Trong vụ việc của chị Hiếu, xe máy vẫn còn nằm lại trên mặt cầu, đang ở chế độ mở khóa điện và cài số 3.
“Chúng tôi chỉ đặt giả thiết chị Hiếu dắt xe qua cầu khi đang nổ máy thì bị trượt ngã. Nhưng theo quán tính, người dắt xe thường nhấn tay ga. Mặt cầu nhỏ hẹp nên xe khó mà ở lại cầu”, ông Thực nói.
Ông Thực cho hay, qua xác minh chị Hiếu có mang theo hai chiếc điện thoại di động. Số thuê bao quen dùng mất tín hiệu trong buổi tối 10.8. Nhưng còn một số máy khác, chỉ dùng liên lạc với một người bạn thân vẫn đổ chuông đến ngày hôm sau.
|
Tình huống xấu nhất là chị Hiếu rơi xuống sông bị nước lũ chảy xiết cuốn đi do vị trí này đang có trạm bơm thoát lũ. Ngoài đến gia đình thăm hỏi chia buồn, công an xã gửi thông báo đến các địa phương dọc sông Nhuệ nhờ hỗ trợ. Người nhà nạn nhân cũng bơi thuyền dọc sông, bới vạch từng bè rau muống nhưng chưa tìm được thi thể nạn nhân.
“Ngoài khả năng bị ngã xuống sông Nhuệ, từ dấu vết để lại hiện trường, chúng tôi có đặt ra những giả thiết khác nhau”, ông Thực nói.
Phó trưởng công an xã Hồng Dương, ông Nguyễn Đình Chiến, cũng cho biết khúc sông từ thôn Phương Nhị đến trạm bơm Vân Đình dài khoảng 6 km. Khả năng thi thể vượt qua trạm bơm này khó xảy ra bởi có hệ thống chắn rác, một mẩu gỗ cũng khó lọt qua.
Trao đổi với Thanh Niên Online, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Dương, ông Nguyễn Duy Hùng đã xác nhận, dự án xây dựng cầu Hồng Phú thay thế cầu ván thôn Phương Nhị đã được UBND TP.Hà Nội ra quyết định phê duyệt và giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư từ năm 2011. Đến nay đã qua 2 lần khảo sát thực địa, dự án cầu Hồng Phú vẫn chưa được khởi công xây dựng.
“Trong thời gian chờ xây cầu mới, xã có tuyên truyền người dân chỉ đi bộ qua cầu nhưng người dân vẫn cố tình đi xe qua đây nên xảy ra nhiều vụ tai nạn rơi xuống sông”, ông Hùng nói.
Hoàng Phan
>> Mênh mông sông Nhuệ
>> Bộ đội trắng đêm chống nước sông Nhuệ tràn bờ
>> Sông Nhuệ - Thơ của Nguyễn Hòa Bình
>> Còn đâu sông Nhuệ…
Bình luận (0)