Phải chăng nơi ấy là thủ đô ngàn năm văn vật. Là cội nguồn của mọi cội nguồn. Những điều ấy chắc cũng không sai. Song với tôi, có lẽ những nhạc sĩ viết về Hà Nội - ít nhất và chắc chắn, là họ đã dành một tình cảm, một cảm xúc tràn đầy và đặc biệt đối với vùng đất thiêng liêng, kỳ diệu này. Và chính điều đó đã thực sự có sức lan tỏa, truyền cảm một cách tự nhiên, xúc động, tự hào đến với người nghe.
2. Từ một lần lâu lắm, bỗng tình cờ nghe bài hát Hà Nội và tôi của Lê Vinh, trong tôi cứ nao nao đến tận bây giờ. Ca sĩ Ngọc Tân lúc ấy hát: “Nơi tôi sinh, Hà Nội. Ngày tôi sinh, một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó. Đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than”. Tôi mường tượng như chính mình là nhân vật trong bài hát với tình cảm ý vị, đằm thắm của những lời ca ấy trong nhiều năm tháng sau này, như “thời gian có bao giờ phôi phai, như nước Hồ Gươm xanh vời vợi. Như hương hoa sữa nồng nàn đắm đuối”. Bài hát đã cho tôi biết thêm về một Hà Nội nên thơ và khói lửa, mộng mơ và thực tại, kỷ niệm và ký ức. Trên hết là một khát vọng cháy bỏng được trở về nơi “nhà tôi ở đó”, sau “cái ngày chia xa Hà Nội”.
3. Nhiều lần khác, tôi đã nghe ca khúc Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương. Ca từ rất dài, nhưng sao tôi thích và nhớ nhất lời kết da diết quá: “Hà Nội ơi, những chiều sương gió dâng khơi, có người lặng ngắm mây trôi, biết bao là nhớ tơi bời”. Bài hát dắt tôi về một Hà Nội những ngày đầu chinh chiến. Những người ở lại và ra đi, những ngày thanh bình và đoàn tụ, những mơ ước đợi chờ để có “một ngày tàn cơn chinh chiến, lửa khói lắng chìm, tìm về nơi bờ bến” yêu thương.
Tôi cảm giác rõ cái lâng lâng, say đắm, mơ màng mỗi lần nghe một ca khúc về Hà Nội, dù bài hát đó nằm trong bối cảnh nào. Tất cả cứ quyện vào tôi những giai điệu lẫn lời ca. Lúc thiết tha, sôi nổi, lúc cồn cào hùng tráng, lúc khói lửa thanh bình, lúc mịt mờ tươi sáng...
4. Hà Nội - khó từ chối một “lời mời” dẫu chỉ đến từ những ca khúc. Người đi xa luôn Nhớ về Hà Nội, Hướng về Hà Nội. Người ở lại sống với nỗi mong chờ khắc khoải yêu thương. Trẻ con nhặt trái sấu bên đường thành kỷ niệm. Người già nhâm nhi chén trà nhớ cốm ngày xưa. Phố xá lên đèn nhớ “dáng kiều thơm” từ ngày Tây Tiến của Quang Dũng còn phảng phất đến bây giờ. Những Làng lúa làng hoa tít tắp từ phố thị trải dài để gánh hàng hoa hàng ngày còn rong trên đường phố. Mà dường như chỉ có Hà Nội mới tải hết những hồn, những thơ, những nhạc... để làm nên một Người Hà Nội đến hôm nay, như tên gọi Thành phố hòa bình bởi đã đi qua chiến tranh ác liệt.
5. Bỗng nhiên tôi chợt nghĩ nói về Hà Nội, viết về Hà Nội như đang ngắm một cảnh quan hùng vĩ, choáng ngợp. Vừa kỳ bí vừa mang nét mộc mạc, cổ kính mà kiêu sa trầm mặc; trong từng hồn người, trong từng góc phố, con đường. Để rồi không biết phải dừng lại điểm nào mà ngắm mà tìm. Để người nghệ sĩ cũng lãng đãng mơ màng “lang thang hoài trên phố”, mới chợt nhận ra mình “chẳng nhớ nổi một con đường”.
Với tôi, hơn một lần xin được cảm ơn các nhạc sĩ, nghệ sĩ... đã cho tôi, chở tôi đến với Hà Nội bằng cảm xúc - tài hoa - và tình yêu của họ đối với thủ đô. Trong quá khứ, hiện tại, mãi mãi...!
Bình luận (0)