Hà Nội muốn quyết dự án chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng, 500 ha đất lúa

28/05/2024 18:08 GMT+7

Đại biểu Phạm Văn Hòa không đồng tình đề xuất cho phép TP.Hà Nội quyết định chủ trương các dự án chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng, trên 500 ha đất lúa vì cho rằng việc xin ý kiến Thủ tướng, các bộ, ngành của Hà Nội không có gì khó khăn.

Chiều 28.5, tiếp tục kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về luật Thủ đô sửa đổi. Về thẩm quyền đầu tư, dự thảo luật đề xuất cho phép HĐND TP.Hà Nội quyết định các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD, bao gồm cả trường hợp sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên, đất trồng lúa từ 500 ha trở lên, di dân tái định cư từ 50.000 người trở lên.

"Thủ tướng ở thủ đô nên Hà Nội cần xin ý kiến không có gì khó khăn"

Hà Nội muốn quyết dự án chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng, 500 ha đất lúa- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận chiều 28.5

GIA HÂN

Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Hà Nội nên cân nhắc các đề xuất này. Theo ông, không nên cho phép TP.Hà Nội quyết định các dự án đầu tư chuyển đổi trên 1.000 ha rừng và trên 500 ha đất lúa.

"Tôi nghĩ thủ đô Hà Nội cần phải có một "lá phổi" tuyệt vời để người dân Hà Nội được hưởng. Cho phép trên 1.000 ha thì là bao nhiêu, có thể là 2.000 ha, 3.000 ha? Trên 1.000 ha mà không có con số xác định là bao nhiêu thì tôi nghĩ ban soạn thảo và thủ đô Hà Nội cần cân nhắc", đại biểu Hòa nêu.

Đại biểu Đồng Tháp cho rằng, chỉ nên quy định thẩm quyền của TP.Hà Nội quyết định các dự án chuyển đổi dưới 1.000 ha rừng và dưới 500 ha đất lúa. Trên mức này thì cần xin cấp có thẩm quyền. "Tôi nghĩ thế phù hợp hơn. Mặc dù có cơ chế đặc thù nhưng không thể đặc thù cao hơn như thế được", ông Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm, khác với các tỉnh, thành khác, việc xin ý kiến cấp thẩm quyền ở Hà Nội cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. "Hà Nội là thủ đô, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở đây nên tôi nghĩ nếu cần xin ý kiến thì cũng không có gì khó khăn, bận bịu. Không như miền Nam ra Hà Nội phải ra 5 ngày, một tuần lễ để xin ý kiến. Ở Hà Nội xe tới là có thể gặp nhau xin ý kiến được rồi", ông Hòa phân tích.

Hà Nội cần đặt trọng tâm vào việc giữ gìn đất rừng

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị "đặc biệt cân nhắc". 

Hà Nội muốn quyết dự án chuyển đổi trên 1.000 ha đất rừng, 500 ha đất lúa- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu thảo luận chiều 28.5

GIA HÂN

Ông Nguyễn Hải Anh dẫn số liệu của TP.Hà Nội cho biết, tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng của TP.Hà Nội năm 2022 chỉ có trên 27.000 ha. Trong đó, diện tích có rừng chỉ 18.573 ha, với hơn 7.500 ha rừng tự nhiên và 11.000 ha rừng trồng. Diện tích chưa thành rừng là 8.500 ha.

Với diện tích này, tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội chỉ đạt 5,59%, thuộc nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ che phủ rừng thấp trong cả nước, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của đồng bằng sông Hồng là 21,26%, theo đại biểu.

Từ đó, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần đặt trọng tâm vào việc giữ gìn hơn nữa diện tích đất trồng rừng và coi việc nâng tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội là vấn đề sống còn, cốt lõi. 

"Đề nghị hạn chế tối đa dự án có yêu cầu chuyển đổi diện tích đất rừng sản xuất; đồng thời có giải pháp tăng thêm diện tích cây xanh trong trung tâm đô thị thành phố", đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh cũng kiến nghị, trong trường hợp đặc biệt, cần thiết phải chuyển đổi diện tích rừng sản xuất thì phải quy định chặt chẽ hơn, bổ sung cơ chế lấy ý kiến nhân dân. Cùng đó, ông đề nghị dự thảo luật Thủ đô phải quy định diện tích tối đa được chuyển đổi thay vì quy định diện tích tối thiểu là từ 1.000 ha trở lên với đất rừng và 500 ha với đất lúa.

Dự thảo luật Thủ đô sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp này. Ngoài quy định nêu trên, dự thảo luật cũng đề xuất trao quyền để HĐND TP.Hà Nội quyết định dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không giới hạn tổng mức vốn đầu tư. 

TP.Hà Nội cũng được quyết định các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất đến 1.000 ha, trồng lúa đến 500 ha sang mục đích khác phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.