Hà Nội nghiên cứu làm đường sắt đô thị số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi

13/10/2022 17:31 GMT+7

UBND TP. Hà Nội vừa giao các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội triển khai nghiên cứu dự án Tuyến đường sắt đô thị số 6 từ Nội Bài về Ngọc Hồi.

Theo đó, Tuyến đường sắt đô thị số 6 sử dụng vốn ODA không hoàn lại của chính phủ Úc thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). UBND thành phố giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội

mrb

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB, xác định lại nội dung của dự án Hỗ trợ kỹ thuật để lựa chọn các công việc phù hợp bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định của Việt Nam và kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng lâu dài (phục vụ cho việc chuẩn bị dự án ở các giai đoạn tiếp theo).

Đồng thời, nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) để khai thác các không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị; các khu đất lân cận của tuyến đường (đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối). Từ đó, tính toán thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với nhà tài trợ lập Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của luật Đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và quy định của nhà tài trợ.

Nhiều dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội, Bộ GTVT làm chủ quản đầu tư 2 dự án, UBND TP. Hà Nội chủ quản đầu tư 2 dự án.

Ngoài tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác vào tháng 10.2021, 3 tuyến đường sắt còn lại đều đang giai đoạn xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư dù đều được khởi động từ 5 - 10 năm trước.

Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn 1) được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, điều chỉnh dự án đầu tư năm 2017 với tổng mức đầu tư 19.046 tỉ đồng.

Do dự án có nhiều vướng mắc, Chính phủ đã thống nhất không gia hạn Hiệp định vay VN12-P4 với Chính phủ Nhật Bản; đồng thời chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội nghiên cứu, thống nhất về quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó có định hướng phát triển tuyến đường sắt đô thị số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định .

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008. Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng lên hơn 18.000 tỉ đồng. Dự án đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Bộ GTVT đã bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào vận hành khai thác tháng 11.2021.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) được UBND TP.Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009 , phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2019, 2020 với tổng mức đầu tư 1,176 tỉ euro.

Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị; tiến độ chung dự án đạt khoảng 75,28%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 96,8%. Tuy nhiên, 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội tuyến 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) do UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỉ đồng. Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn của dự án năm 2022 đến hết 31.8.2022 là 20 tỉ đồng (vốn trong nước); lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến ngày 31.8.2022 là 890,9 tỉ đồng.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gồm: điều chỉnh phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích hồ Hoàn Kiếm; điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 35.678 tỉ đồng (tăng thêm 16.123 tỉ đồng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.