Cụ thể 5 nội dung bao gồm: Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về dự thảo luật Thủ đô sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII; Điều chỉnh Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của BCH.
Nghiên cứu sân bay thứ 2, định hướng các trục không gian đô thị
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, các nội dung được thảo luận tại hội nghị là những nội dung rất quan trọng, mang tính định hướng chiến lược, căn cơ, lâu dài cho sự phát triển của thành phố. Trong đó, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô là rất cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thủ đô trước mắt và lâu dài theo định hướng của Bộ Chính trị.
Ông Dũng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về việc nghiên cứu điều chỉnh thời hạn của đồ án quy hoạch; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các thành phố phía bắc, phía tây của thủ đô; nghiên cứu định hướng các trục không gian của thành phố; định hướng phát triển đô thị 2 bên trục đường Vành đai 4; nghiên cứu định hướng sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía nam thành phố…
Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị tập trung thảo luận, tham gia đóng góp vào quy hoạch; thảo luận các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của thủ đô; cho ý kiến về các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới góp phần xây dựng và phát triển thủ đô.
"Về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn có cần lưu ý, cần tập trung đánh giá thêm nội dung gì để làm cơ sở tìm ra nguyên nhân gốc rễ và xác định các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội thủ đô", ông Dũng nói.
Đối với nội dung chính trong quy hoạch thủ đô, Bí thư Hà Nội đề nghị bàn kỹ, bàn sâu về các nguyên tắc lập quy hoạch, tư tưởng, triết lý; bàn về khâu đột phá thể chế, phát triển hạ tầng, nhân lực…
"Đây là các nội dung hết sức quan trọng, định hình thủ đô của chúng ta trong 30 năm tới. Vì vậy, đề nghị các đồng chí dành nhiều thời gian nghiên cứu và tham gia ý kiến chất lượng", Bí thư Hà Nội nói.
Tạo thể chế đặc thù, vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Để các cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xây dựng, phát triển bền vững thủ đô trong dài hạn, Bí thư Hà Nội đề nghị các đại biểu góp ý trực tiếp vào các cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện luật Thủ đô sửa đổi; tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho thủ đô phát triển trong thời gian tới.
Các ý kiến cụ thể về cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho thành phố trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển thủ đô; nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách tài chính - ngân sách, đất đai, đầu tư; việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè...
Về sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, những đề xuất chủ yếu gồm các nội dung cho chủ trương thuộc thẩm quyền liên quan đến công tác quy hoạch; điều chỉnh chủ trương đối với một số dự án đầu tư; bổ sung, sửa đổi một số quy định về công tác tổ chức, cán bộ; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Về điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 của BCH, đề nghị cho ý kiến về việc điều chỉnh; đồng thời rà soát các nội dung khác trong kế hoạch cần phải điều chỉnh đảm bảo phù hợp với các yêu cầu, chỉ đạo của T.Ư và thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố.
"Những nội dung trình hội nghị BCH lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của thủ đô chúng ta, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tới", Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)