Hà Nội “nhảy tàu” sáng tạo khu vực Đông Nam Á

26/12/2021 11:25 GMT+7

Đặt mục tiêu trở thành một trung tâm sáng tạo Đông Nam Á, Hà Nội đang rất vội sau khi “lên chuyến tàu thành phố sáng tạo ” của UNESCO.

Giật mình vì trễ tàu

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, vẫn còn nhớ thời điểm bà cùng nhiều đối tác của UNESCO nói chuyện với nhau về mạng lưới TP sáng tạo hồi 2019. “Khi nói chuyện với Hà Nội và các đối tác ở VN, chúng ta giật mình. VN gần như nước cuối cùng chưa có TP nào tham gia mạng lưới TP sáng tạo. Mà trong khu vực khi đó đã có rất nhiều. Thái Lan, Singapore… và nhiều nước khác, họ đã không bỏ lỡ chuyến tàu này. Thế thì tại sao VN chưa có một TP nào như thế? Chúng ta đang bị chậm trong chuyến tàu khu vực, thế giới”, bà Hường nói tại tọa đàm Khơi nguồn sáng tạo Hà Nội, do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức ngày 25.12.

Hồ Gươm được đánh giá là “vốn di sản” để phát triển thành phố sáng tạo của Hà Nội

Lưu Quang Phổ

Nhưng cũng vào thời điểm giật mình ấy, chuyên gia, tổ chức xã hội và ngay cả cơ quan quản lý vẫn khẳng định, chỉ rõ VN là một cường quốc về văn hóa. “VN có nhiều nguồn lực văn hóa, vốn di sản con người, nhân lực, hạ tầng đào tạo. Ví dụ, Hà Nội là trung tâm của hàng trăm trường ĐH, có tới 1.300 làng nghề. Tài sản văn hóa và xã hội của Hà Nội rất lớn, giàu có về thiết chế, tại sao lại chưa phải là thành viên mạng lưới này”, bà Hường nhớ lại.

Hà Nội sau đó mau chóng lên kế hoạch để gia nhập mạng lưới TP sáng tạo này. Với quá nhiều vốn văn hóa, thủ đô cũng có thách thức. Theo bà Hường và đội ngũ chuyên gia của UNESCO, điều cần nhất là tầm nhìn. “Chúng ta thiếu nhân tố kết nối để xây dựng một

TP sáng tạo, vì nó không thể chỉ dựa vào nguồn lực hay đam mê cá nhân người làm lĩnh vực sáng tạo. Chúng ta cần tầm nhìn hành động. Chúng ta cũng cần tầm nhìn chính sách để kết nối với khu vực tư nhân, với đào tạo”, bà Hường nói.

Bà Hường cũng đưa ra ví dụ quanh khu vực là Chiang Mai, một cố đô của Thái Lan. Ở đó, có mật độ tập trung nghệ thuật thủ công rất dày. Người ở Chiang Mai vì thế lấy động lực sáng tạo là công cụ chính trong phát triển TP. Họ kết nối tổ chức quốc tế với làng nghề, giới nghệ nhân cũng như người trẻ. Họ lập trang web Creative Chiang Mai, trong đó có nhiều bài học và kinh nghiệm hay. Họ nhanh nhẹn và thông minh trong việc kết nối các trường ĐH của Đức và châu Âu trong tận dụng tài năng và hệ sinh thái sáng tạo. “Chính sự sáng tạo đấy đưa di sản trở lại vì nó đưa những người thiết kế, sáng tạo về để thiết kế trên nền di sản. Di sản có sức sống mãnh liệt hơn khi tái sinh dưới dạng thức mới. Trước chúng ta vẫn định kiến về bảo tồn và phát triển đối lập nhau. Nhưng chính thiết kế sáng tạo lại giúp di sản sống lại mạnh mẽ”, bà Hường nói.

“Chuyến tàu Hà Nội” đông dần

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT Hà Nội, cho biết Hà Nội đang có cơ cấu dân số vàng, cùng cộng đồng đông đảo nhà thiết kế, nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân sáng tạo mạnh. Đây chính là thuận lợi lớn khi thực hiện TP sáng tạo. Bà cũng cho biết về chính sách có tới 2/10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội tới năm 2025 liên quan đến TP sáng tạo. Trong đó, Chương trình CT06 có nội dung phải triển khai đầy đủ cam kết đã đưa ra khi TP nộp hồ sơ TP sáng tạo. Hà Nội cũng có mục tiêu nữa là phải trở thành trung tâm sáng tạo Đông Nam Á.

TS Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện KHCN Vinasa, cho rằng Hà Nội vẫn là “không vội được đâu” khi còn chậm trong việc phát triển TP thông minh. Hà Nội chưa làm gì về chuyển đổi số trong khi TP.HCM và Đà Nẵng đã làm đề án TP thông minh rồi. “Nếu chúng ta truyền được cho đời sau người Hà Nội nào cũng có tính sáng tạo, rồi tiếp tục đổi mới sáng tạo ra Hà Nội tương lai rất công nghệ mà vẫn rất là văn hóa. Đó là cái mà tôi đề nghị”, TS Nhật Quang nói.

Th.S-KTS Nguyễn Duy Thanh, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cho biết hiện đã có nhiều không gian sáng tạo tại Hà Nội. Chúng thu hút giới trẻ và mang lại trải nghiệm đa dạng cho đời sống người dân. Đó là những khu sáng tạo 282, khu Complex 01

Nhà thiết kế Vũ Thảo, chủ thương hiệu thời trang Kilomet109, cho biết bà đã thiết kế trải nghiệm với nhiều nghệ sĩ để tạo thành chương trình Nghỉ lễ cùng nghệ sĩ. Các nghệ sĩ thiết kế sẽ về các vùng của người dân tộc thiểu số, đi gặt hái với nghệ nhân, học quy trình nguyên bản về sản xuất vật liệu của họ. Từ đó, các thiết kế, ý tưởng mới có thể ra đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.