Đây là mô hình của Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) P.Việt Hưng, Q.Long Biên (Hà Nội) và đã được nhân rộng với 120 tổ “đi chợ giúp nhau”.
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bà Lê Thị Chương, Chi hội trưởng Phụ nữ Tổ 2 (P.Việt Hưng) cẩn thận kiểm tra lại tin nhắn trong nhóm Zalo, ghi chép đầy đủ nhu cầu mua thực phẩm của từng hộ gia đình trong xóm. 7 giờ sáng hôm sau, các bà, các chị chia nhóm mỗi người phụ trách “đi chợ hộ” cho từ 3 - 5 nhà. Chỉ chưa đầy 2 tiếng, hàng hóa đã được treo cửa đầy đủ từ thực phẩm đến nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày.
Bà Chương chia sẻ: “Nhiều gia đình có con nhỏ, bận đi làm hoặc ngại đi chợ, chị em chúng tôi sẵn sàng mua giúp. Thực phẩm chợ dân sinh bao giờ cũng tươi ngon vào buổi sáng nên chúng tôi phải đi sớm, chỉ cần các gia đình nhắn tin trên zalo hoặc gọi điện thoại trước là được. Mỗi lần đi chợ, việc mua thêm vài ba bó rau, con cá, hoặc cân thịt… đều đơn giản với chị em chúng tôi”.
|
Để tránh bị sót đơn hàng hoặc nhầm lẫn, Hội LHPN P.Việt Hưng đã in sẵn phiếu mua hàng, người đảm nhận nhiệm vụ “shipper” đi chợ cầm theo đơn hàng, ghi rõ tên địa chỉ người mua, mặt hàng, số lượng, kèm theo giá cả. Mỗi hộ gia đình được đăng ký hỗ trợ mua hàng 3 lần mỗi tuần.
Bà Trần Thị Thái Hà, Chủ tịch Hội LHPN P.Việt Hưng, cho biết mô hình “đi chợ giúp nhau” bắt đầu triển khai từ đầu tháng 8 khi dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Khi đó, trên địa bàn quận đã thực hiện phát thẻ vào chợ cho người dân, 1 tuần/3 buổi, các thẻ vào chợ được đóng dấu của UBND phường có giá trị sử dụng một lần. Thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Hội phụ nữ tuyên truyền tới hội viên và người dân về việc hạn chế số lượng người tham gia mua sắm tại chợ dân sinh.
Bà Hà cho hay: “Để vận động hội viên ở trong nhà, không ra đường khi không có việc cần thiết, thực hiện tốt quy định về giãn cách xã hội, chúng tôi đã triển khai mô hình phụ nữ “Đi chợ giúp nhau” theo hình thức tự nguyện. Người dân không cần đi chợ vẫn có đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết với giá không tăng so với ngày thường và hơn hết là không mất phí “ship” đến tận nhà”.
Nâng cao chống dịch, gắn kết xóm phố
Theo bà Hà, mỗi nhóm có từ 3 đến 5 hội viên ở cạnh nhà nhau. Mỗi lần đi chợ, nhóm chỉ cử một đại diện sử dụng 1 thẻ đi chợ mua thực phẩm, nhu yếu phẩm và đồ dùng thiết yếu cho cả nhóm.
“Sau khi đi chợ, đồ sẽ được chuyển đến các gia đình trong nhóm. Các gia đình có thể gửi tiền trực tiếp hoặc thanh toán tiền đi chợ cho thành viên đi chợ hộ qua tài khoản ngân hàng. Hiện nay số lượng nhóm “đi chợ giúp nhau” đã lên tới 45 nhóm”, bà Hà thông tin.
Không chỉ là nâng cao phòng chống dịch bệnh, việc giúp nhau đi chợ còn gắn kết tình cảm giữa các gia đình trong tổ dân phố. Chị Nguyễn Thị Huyền, ở khu đô thị Việt Hưng, chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng chúng tôi đi làm từ sáng đến tối mới về, toàn mua hàng online. Nay nghỉ dịch, hàng online không mua được, một số chợ dân sinh bị đóng cửa do có ca F0 đến chợ khiến người dân hết sức lo lắng, nhất là những gia đình có con nhỏ như chúng tôi. May có các cô, các chị trong hội phụ nữ mua hàng giúp, ngày nào cũng trao đổi qua điện thoại, Zalo “tình làng, nghĩa xóm” giữa các gia đình cũng thấy gắn bó hơn”.
Ngoài đi chợ hộ cho các gia đình trong tổ dân phố, các nhóm đi chợ hộ của P.Việt Hưng còn giúp những người lao động ngoại tỉnh cư trú trên địa bàn đi chợ hộ với giá 0 đồng. Bà Hà cho biết: “Nhiều người là thợ xây, thợ đổ bê tông bị “kẹt” ở Hà Nội không về quê được. Các chị em đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, mì, còn thực phẩm hàng ngày, các chi hội hỗ trợ người lao động bằng nguồn quỹ vòng tay nhân ái trích từ hoạt động thu gom phế liệu”.
Sau gần 1 tháng triển khai, mô hình “đi chợ giúp nhau” đã được nhân rộng khắp Q.Long Biên với 120 nhóm. Một người đi chợ giúp 4 - 5 nhà nên lượng người ra đường mỗi ngày giảm đi, các gia đình cũng dân yên tâm ở nhà chống dịch. Theo dự kiến, các nhóm đi chợ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động đến khi Hà Nội hết thời gian giãn cách.
Bình luận (0)