Hà Nội sẽ lắp thêm 3.000 camera giám sát giao thông

07/03/2019 20:00 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, hiện thành phố dự kiến sẽ lắp bổ sung 3.000 camera giám sát để tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tại phiên điều trần về tình hình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông của Ủy ban Tư pháp Quốc hội hôm 6.3, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho hay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố thời gian qua là do cơ sở hạ tầng phát triển không kịp với tốc độ phát triển của phương tiện giao thông.
Hiện, số lượng ô tô, xe máy trên địa bàn thành phố tăng rất nhanh. Năm 2008 Hà Nội chỉ mới có 2,2 triệu phương tiện gồm ô tô, xe máy và taxi nhưng đến năm 2017 đã tăng lên 6 triệu.
Trong năm 2018, mỗi ngày có thêm 27 nghìn ô tô, xe máy, xe đạp điện được cấp đăng ký tham gia giao thông, chưa tính đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh tham gia giao thông tại Hà Nội.
“Thời gian gần đây, taxi cũng phát triển rất nhanh, riêng taxi công nghệ đã có hơn 41.000 xe hoạt động trên địa bàn thành phố”, ông Sơn nói.
Một nguyên nhân khác, ông Sơn cho biết, ý thức chấp hành thực thi công vụ của người thi hành công vụ từ cảnh sát, thanh tra giao thông, trật tự viên chưa thực sự nghiêm, để xảy ra một số tiêu cực.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng, ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người dân chưa cao, chính người dân cũng chưa có ý thức tự bảo vệ mình.

Xây các cầu vượt sông Hồng

Đề cập tới giải pháp của Hà Nội trong thời gian tới, ông Sơn cho hay, thành phố sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong vận tải hành khách hàng hóa, trật tự và văn minh đô thị.
Bên cạnh đó, ứng dụng phải ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật vào quản lý giao thông, nâng cao cơ sở hạ tầng.
Ông Sơn cũng thông tin, hiện thành phố đang nghiên cứu đề xuất xây các cầu vượt sông Hồng két nối trung tâm thành phố với các đô thị vệ tinh; tổ chức giao thông hợp lý, thay thế một phần đê bằng đê bê tông.
“Bên cạnh đó, chúng tôi dự kiến lắp đặt bổ sung 3.000 camera giám sát giao thông để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự”, ông Sơn nói.
Ngoài ra, theo Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, thành phố sẽ có chính sách hợp lý và lộ trình cụ thể để giải quyết triệt để các trường hợp thương bệnh binh sử dụng xe ba bánh tự sản xuất để tham gia vận chuyển hàng hóa đồng thời triển khai đề án hạn chế phương tiện cá nhân.

Tăng mức phạt vi phạm an toàn giao thông

Một giải pháp khác, theo ông Sơn, thành phố sẽ trình Hội đồng nhân dân xem xét tăng mức phạt trong trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội và một số lĩnh vực liên quan.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nêu thực tiễn vi phạm giao thông trên địa bàn Hà Nội không chỉ là những người có điều kiện mà những người vi phạm chủ yếu lại là người đi bộ, bán hàng rong vỉa hè từ ngoại thành khó khăn vào thành phố kiếm sống.
"Vấn đề mưu sinh của người dân cũng là vấn đề của thành phố, một lúc không thể giải quyết ngay được hết công ăn việc làm, nhất là trong bối cảnh lấy đất làm dự án, dân không có việc làm phải đi buôn bán, nếu phạt cao để phòng ngừa răn đe thì lại đánh thẳng vào nồi cơm của người dân”, ông Sơn chia sẻ và cho biết nhiều cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện cũng nói rất trăn trở điều này.
Thực tế, nhiều trường hợp, người vi phạm giao thông sẵn sàng bỏ cả xe vì giá trị xe không cao bằng tiền phạt. Vì thế, theo ông Sơn, khi xây dựng chế tài phải có tính linh hoạt và phải rất cân nhắc. “Mức phạt cao có thể chỉ là giải pháp trước mắt, chứ không phải căn cơ, lâu dài và bền vững”, ông Sơn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.