Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội chiều 25.7, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các bộ đánh giá cao sự phát triển của Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29.5.2008 của Quốc hội khoá XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sắp tới sẽ có 3 vấn đề liên quan đến Hà Nội, gồm: sửa đổi luật Thủ đô; báo cáo việc thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô và báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội.
Ngoài ra, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Hà Nội có 1 quận và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính. Do đó, Hà Nội cần thực hiện sớm theo quy định nghị quyết của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập: Người Hà Nội sợ 'rắc rối chuyện giấy tờ'
Đối với việc sửa đổi luật Thủ đô, dự thảo mở rộng thêm 9 chính sách, trong đó kế thừa luật Thủ đô hiện hành; kế thừa và luật hóa các nghị quyết của Quốc hội đã áp dụng cho các địa phương; kế thừa và luật hóa các nghị quyết của Quốc hội đã áp dụng cho Hà Nội.
Đặc biệt, thể chế hóa các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội được quy định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Còn trong dự thảo luật Thủ đô sửa đổi là phải có phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng trọng tâm là phân quyền, giao quyền của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành cho Hà Nội và đơn vị hành chính trực thuộc.
Trước đó, báo cáo tại tại buổi làm việc về việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường; đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người, giảm 252 người.
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, việc tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn, song vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhạy, thông suốt hơn. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả giải quyết của chính quyền được giữ ổn định và ở mức cao.
Tuy nhiên, thành phố cũng nhận định, việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 còn một số hạn chế. Đó là khối lượng công việc của HĐND các quận, thị xã tăng lên khi thực hiện chính quyền đô thị nhưng số lượng đại biểu HĐND so với nhiệm kỳ trước giảm. Hoạt động của HĐND ở một số ít địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai nhiệm vụ. Biên chế công chức làm việc tại các phường chưa đáp ứng yêu cầu so với quy mô dân số của phường…
Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 18 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 27 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.
Trong kế hoạch, Hà Nội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND các cấp theo hướng tinh gọn, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn của thành phố, cấp huyện theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở chỉ đạo của T.Ư.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của T.Ư và tình hình thực tiễn của thủ đô.
Hà Nội đang có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Số đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội là 584, trong đó có 386 xã, 177 phường và 21 thị trấn.
Bình luận (0)